Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

BI , ĐỪNG SỢ

1-Bữa trước tôi ra entry "Bi, đừng sợ" sau đổi thành "Bi, không sợ không được".
2-Có tựa đó cho những hình ảnh vừa gây cười vừa chua xót mà lẽ ra tôi định nối tiếp vào entry "SAI GON" hay "THÀNH PHỐ TÔI YÊU" nhưng sợ đụng chạm về chính trị nên tách ra vậy là vì trong tôi vẫn còn đậm đặc cảm xúc sau khi xem "Bi đừng sợ".
3- "Bi, đừng sợ" là một hiện tượng của nền điện ảnh tuy cũng đã khá tuổi mà vẫn còn "trẻ dai" như điện ảnh Việt nam.Giang hồ đồn nhà thơ ngày xưa là thần đồng Trần Đăng Khoa nói rằng "Thà rằng cởi cúc xem chim. Còn hơn vào rạp xem phim nước mình" (?).
4-Công bằng mà nói, trong số những cái gọi là tác phẩm điện ảnh của nền điện ảnh già nua mà non trẻ cũng có những phim hay, "Cánh đồng hoang"; "Bao giờ cho đến tháng Mười", thậm chí là bộ phim gần như đầu tiên của ĐA Cách mạng "Con chim vành khuyên".v.v là những ví dụ.
5-Những năm gần đây nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tạo ra những "dòng" phim khác nhau: phim thị trường/ mì ăn liền/ gỉai trí, phim cúng cụ, phim nghệ thuật (tự phong). Những phim lưu lại ấn tượng nơi tôi lại chính là nhưng phim "giải trí" được làm bởi những người có chuyên môn và sự tôn trọng khán giả: "Để mai tính", "Dòng máu anh hùng", "Bẫy rồng", "Những nụ hôn rực rỡ".vv. nếu không kể đến các phim đã gây được tiếng vang trong các liên hoan phim quốc tế của đạo diện Việt kiều Trần Anh Hùng : "Mùi đu đủ xanh" (mà cách kể chuyện tôi thấy giống như cách kể của bạn Hương xưa, hì hì) , "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Xích lô".v.v.
6- Phan Đăng Di gây cho tôi sự tò mò thú vị khi đọc kịch bản phim "Tận cùng là biển", phim này sau do Bùi Thạc Chuyên (cũng là một đạo diễn trẻ tài năng) làm với tựa đề "Chơi vơi"- được kỳ vọng, quảng cáo nhiều nhưng thất bại cả về doanh thu và giải thưởng. Cá nhân tôi  thấy phim chỉ ở mức "coi được", không thích bằng khi đọc kịch bản. Hình như Phan Đang Di sinh năm 1976, học biên kịch là người rất thần tượng Trần Anh Hùng. Hình như Trần Anh Hùng đã khuyến khích Phan Đăng Di tự làm phim của mình, một trong những tiền đề để "Bi, đừng sợ" ra đời.
Đạo diễn Phan Đăng Di và diễn viên nhí Phan Thành Minh
7- Tôi không nhắc lại những thông tin về giải thưởng, về những phản hồi nhiều chiều về phim này đầy rẫy trên báo giấy, báo mạng. Tôi thích phim của Di với ngôn ngữ điện ảnh của nó, kiệm lời thoại, lời thoại ngắn gọn gần gũi với đời sống, âm thanh sống động, âm nhạc tiết chế (trái với hầu hết các phim Việt nam khác, âm nhạc  tràn lan như một thứ độn, minh họa thô thiển). Thực ra thì tôi có vẻ thích những sáng tạo, tư duy của Di hơn; cách chọn bối cảnh; quay phim tài hoa với những góc quay đẹp, âm nhạc không thật sự ấn tượng, đắt; diễn xuất của diễn viên không đều (tôi thích cách diễn của Thành Minh vai Bi, của Trần Hà Phong  vai bố Bi, Trần Tiến vai ông Bi hơn là vai diễn người cô Bi của Hoa Thúy hay mẹ Bi- Kiều Trinh, mặc dù về mặt con người tôi lại cảm tình với mẹ Bi). Dù sao thì Di đã khá thành công trong việc chọn diễn viên, từ vẻ mặt hao hao của bố Bi và ông nội Bi  đến những vai thứ như cô gôi đầu mát xa "45 nghìn có cả lavie". Khỏi phải nói về vai chính Bi-Phan Thành Minh- một phát hiện thú vị của điện ảnh Việt nam.
Diễn viên Kiều Trinh

8- Nếu kể lại về phim "Bi, đừng sợ" cho người chưa xem phim hẳn sẽ rất khó, càng khó để người nghe cảm được cái hay, cái được của phim. Vấn đề mà "Bi, đừng sợ" mang lại cho người xem đó là cảm xúc mà điều đó thì tùy thuộc vào từng người. Cũng vậy không phải ai xem cũng  chạm vào được thông điệp của Di.. Điều đó lý giải xuất hiện rât nhiều phản hồi trái ngược sau khi xem phim.


Đạo diện Trần Anh Hùng về VN xem "Bi đừng sợ"
9- Điều đáng buồn là ngay cả Trần Anh Hùng cũng về VN xem "Bi, đừng sợ" nhưng giống như phim "Chơi vơi", khi tôi xem ở Vũng tàu trong rạp chỉ có chừng 12 người.

10- Nếu đọc xong bài này bạn vẫn có ý định sẽ xem phim này thì đó cũng là thành công của tôi, ừ thì cứ xem đi, đừng sợ..

Vài hình ảnh trong phim 'Bi, đừng sợ'

 














                                                     DI VÀ BI TẠI CANNES-2010

Phan Đăng Di (sinh năm 1976) đã làm 2 phim ngắn gây được tiếng vang lớn là: Sen - lựa chọn trình chiếu tại LHP ngắn nổi tiếng nhất thế giới: Clermont Ferrand 2006 và Khi tôi 20 được LHP Venice 2008 lựa chọn dự thi hạng mục phim ngắn, đồng thời Phan Đăng Di cũng là tác giả được đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á 2009 với phim Chơi vơi.
Bi, đừng sợ! là phim dài đầu tay (giải Dự án châu Á nổi bật LHP Pusan 2007, lựa chọn đến LHP Cannes 2008 - hạng mục L’atelier, được tài trợ 10.000 USD từ Bộ VH – TT – DL, 50.000 euro từ World Cinema Fund của LHP Berlin 2008...) sản xuất bởi Le Arte, Sud-est và BHD năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4.2010.
Bài phỏng vấn sau được trích từ catalogue chính thức của LHP Cannes 2010 (Hiệp hội phê bình quốc tế LHP Cannes thực hiện).
(Nguồn: Cát Khuê Blog)

Hiện thực tê buốt và tan chảy

* Xin anh cho biết về con đường sự nghiệp của anh trước khi làm bộ phim đầu tay này?
- Tôi bắt đầu theo đuổi điện ảnh từ năm 18 tuổi, khi đỗ vào trường Điện ảnh ở Hà Nôi, từ đó đến nay công việc của tôi chỉ xoay quanh việc viết kịch bản, xem phim, nghiên cứu lịch sử phim, rỗi thì uống bia. Ngoài những việc đó, bốn năm nay tôi có tham gia giảng dạy, thoạt đầu là về lịch sử điện ảnh VN, sau đó là môn viết kich bản phim tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Từ mùa hè năm 2005 tôi bắt đầu làm những phim ngắn đầu tiên, và bây giờ thì là một phim dài.

* Dự án Bi, đừng sợ ! đã từng có mặt tại Atelier de la Cinéfondation của Cannes 2008, anh có thể kể những khó khăn mà một nhà làm phim độc lập VN gặp phải trong môi trường điện ảnh thế giới ?

- Việc đạo diễn tự mang dự án làm phim của mình đi giới thiệu tại các LHP quốc tế không phải là chuyện thường thấy trước đó tại VN. Bởi thế thoạt đầu khi thuyết trình trước các nhà đầu tư ngoại quốc tôi cũng hơi bối rối. Nhưng đây chẳng phải là khó khăn gì đáng kể. Khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ giới làm điện ảnh quốc tế biết rất ít về VN, thậm chí có người còn không biết ở VN chúng tôi nói thứ tiếng gì? Cũng may là tại L’Atelier của Cannes năm trước những nhà đầu tư chịu cầm kịch bản của tôi về đọc sau đó đều hồi âm,và một vài người trong số họ còn đi xa hơn: đầu tư tiền để tôi làm phim.

* Một trong những giải thưởng lớn cuối cùng mà một nhà điện ảnh gốc Việt đạt được tại Cannes là giải Camera Vàng, dành cho bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bi, đừng sợ cũng sẽ tham gia tranh giải này, đối với anh nó có ý nghĩa gì?
- Tôi phải kể câu chuyện này: Một đêm mùa hè gần17 năm về trước, tôi 17 tuổi, dán mắt lên cái tivi đen trắng trong nhà đang tường thuật lại lễ trao giải LHP Cannes, hình ảnh một người Việt trẻ tuổi bước lên nhận giải thưởng lúc đó đã tác động mạnh vào cảm xúc của tôi , mạnh tới nỗi ngay lập tức tôi quyết đinh sẽ theo đuổi điện ảnh dù trước đấy tôi đã sẵn sàng để trở thành một nhà văn… Mười năm sau, tại Hà Nội lần đầu tiên tôi gặp Trần Anh Hùng, anh vừa đọc xong một kịch bản do tôi viết và hỏi tại sao tôi vẫn chưa trở thành đạo diễn. Hai năm sau đó, 2005, tôi bắt đầu làm phim. Giờ thì tôi có mặt ở đây, với bộ phim dài đầu tay của mình, chuyến hành trình 17 năm khởi đầu bằng mơ mộng đã có một điểm đến, với tôi, thật lạ lùng và đầy ý nghĩa.

* Mặc dù được viết rất kỹ, câu chuyện Bi, đừng sợ được dựng lại đầu tiên là thông qua việc làm phim. Anh đã tưởng tượng ra nó như thế nào? Bước nào trong chu trình sáng tạo là quan trọng nhất với anh (viết, quay, dựng..)?

- Khác với các kịch bản mà tôi viết trước đó, thường rất đầy đủ và kĩ càng, Kịch bản Bi, don’t be afraid! gần như một phác thảo với chừng 50 trang và rất ít lời thoại. Tôi cũng cố tình lảng tránh các yếu tố tạo nên kịch tính. Tôi không đặt nhân vật trước trước thử thách để họ phải giải quyết , không giải thích những biến chuyển tâm lí của họ, không quan tâm lắm đến trật tự thời gian…. Cái tôi muốn là tạo ra được những cảm giác rất hiện thực nhưng đồng thời cũng rất khó cắt nghĩa trong các mối quan hệ của con người thông qua việc trộn lẫn nhiều câu chuyện của nhiều nhân vật. Với lựa chọn này, việc làm phim cơ bản không còn là kể lại câu chuyện theo một cấu trúc tự sự thông thường, nó hướng chủ yếu vào việc tạo ra cảm giác trong từng cảnh quay và việc hình dung trước các mối dựng trong khi quay. Trong trường hợp phim này, việc dựng phim là đặc biệt quan trọng và chiếm rất nhiều thời gian. Nếu như tôi chỉ mất một tháng để viết xong kịch bản, gần hai tháng để quay phim thì việc dựng phim kéo dài trong bốn tháng, và như thế vẫn là chưa đủ...

* Theo anh đâu là phẩm chất chính mà một người làm phim - đạo diễn phải có để có thể đi đến tận cùng mục đích của mình?

- Anh ta phải có một ý chí sắt đá trong công vệc và sự khôn ngoan tuyệt vời trong hành động. Nhưng những cái đó chỉ để giúp cho phong cách làm phim riêng biệt của anh ta được đi tới đích trong mọi trường hợp.

* Phim của anh phân tách nhóm nhân vật nam và nhóm nhân vật nữ. Một bên là những người đàn ông "yếu" (uy quyền của người ông đau ốm, sự say xỉn của ông chồng, thơ trẻ của cậu con trai) và bên kia là những người đàn bà tìm cách tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn của đàn ông. Anh có nghĩ là ta có thể hiểu rõ hơn về hiện trạng của một xã hội qua những quan sát về cuộc sống và hoàn cảnh những người phụ nữ trong xã hội đó?
- Điều đó là hiển nhiên, chí ít thì vì phụ nữ họ là một nửa thế giới, và hơn thế là một nửa mạnh mẽ. Tôi tin điều này qua những gì tôi thấy được từ phụ nữ VN, họ mạnh không phải vì họ độc lập với nam giới, hay họ nắm quyền điều khiển xã hội, họ mạnh vì có những niềm tin giản dị và nghiêm túc hơn với cuộc sống. Sự nhẫn nại của họ trước những người đàn ông mà đa phần là không trung thực, thiếu tự tin và dễ dàng ngả theo những khoái cảm tầm phào cũng cho thấy họ vững vàng hơn đàn ông về mặt tinh thần... Trong một xã hội nhiều biến động như xã hội VN (chiến tranh, thiên tai, sự thay đổi liên tục các tín điều do đàn ông vẽ nên rồi lại xóa đi…) mà rồi cuối cùng mọi chuyện vẫn trở nên ổn thỏa được có lẽ là nhờ vào tinh thần bền bỉ chịu đựng và đức hy sinh của người đàn bà. Chính trong tinh thần đó, họ lặng lẽ học cách chấp nhận cuộc sống thường thì không dễ dàng, và chấp nhận những người đàn ông, thường là yếu đuối.

* Phim của anh có một phong cách đậm nhục dục. Anh làm việc với các diễn viên và những người cộng sự như thế nào để tạo ra một phong cách của xúc giác như vậy?
- Tôi cố gắng tìm kiếm chất nhục cảm từ diễn viên ngay từ khi casting, đến khi quay thì cũng không phải mất nhiều thời gian để làm bật lên ở diễn viên cái chất đó. Một lí do nữa là chúng tôi chọn thời điểm quay phim vào thời gian nóng nhất trong năm, thường xuyên cả đoàn phim (chứ không riêng diễn viên) đều bị ngập trong cái nóng trên 35 độ C, mồ hôi đầm đìa và sự dính dáp trên da thịt, nơi quần áo của các diễn viên là thực. Đó có thể gọi là một sự gợi dục tự nhiên do thời tiết mà ai đã sống qua mùa hè ở một xứ nhiệt đới đều có thể cảm nhận được. Lí do cuối cùng, rất quan trọng, tôi có một quay phim rất nhạy cảm, anh ta luôn biết cách làm cho hình ảnh trở nên gợi tình một cách tự nhiên.

* Chúng ta có thể diễn giải hình ảnh của nước đá xuyên suốt qua bộ phim và qua các nhân vật là gì?

- Một cách có thể thấy được thì đá là thứ để giải cơn khát của mọi người, đá làm mát bia, làm dịu cơn hứng tình của người cô, làm giảm cơn đau của người ông, đá là nơi Bi ướp tươi những chiếc lá của nó, đá là một hiện hữu tê buốt nhưng cũng nhanh chóng tan chảy, như mọi thứ trên đời, có đó mà cũng biến mất ngay đó…

* Đi từ sự thơ trẻ đến cái chết, với cả dục vọng ở giữa quãng đường, phim của anh cô đọng lại sự tồn tại của loài người. Có phải anh có trong đầu một cấu trúc kể chuyện "học cuộc sống" thông qua ngôn ngữ của cơ thể không ?
- Thực ra, ba người đàn ông trong phim (Bi, bố Bi, ông nội Bi) chỉ là ba giai đoạn trong cuộc đời của MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG mà thôi, Một điểm chung của họ là từ bé tới lớn họ đều cần đàn bà, họ được chăm sóc, vây bọc, yêu thương, rã rời bởi đàn bà, nhưng họ có hiểu đàn bà hay không lại là một câu hỏi khó trả lời. Họ cũng có một điểm chung nữa: luôn có một cái gì đó muốn sở hữu và phải giấu diếm, ngây thơ như Bi, là một quả dưa hấu nhỏ. Đơn giản như bố là một cô bồ và bí ẩn như ông nội là một quá khứ đóng kín bao nhiêu năm… Như vậy, với những người đàn ông, sự sinh ra, trưởng thành và chết đi của họ phải chăng là sự gia tăng mức độ khó của những câu hỏi, mà chưa hẳn họ đã có lời giải đáp.

* Anh nhìn nền điện ảnh VN như thế nào và anh tự đặt mình vào đâu trong lịch sử của nó ?
- Nền điện ảnh VN không phải là không có những phim hay, nhưng thường thì đó là những phim hay đứng đơn lẻ. Nó như một phút xuất thần của một cá nhân nghệ sĩ trong một thời điểm thích hợp. Chưa thấy ở đây một chùm những tác phẩm hay của cùng một nghệ sĩ, thể hiện sự nhất quán trong phong cách và một quan điểm riêng của người làm phim về cuộc sống con người. Tôi chỉ mới bắt đầu nên cũng không quan tâm lắm xem mình đang đứng ở đâu trong lịch sử. Quan tâm lớn nhất của tôi bây giờ là làm thế nào để có thể làm được phim tiếp theo đây?

* Đối với anh việc được lựa chọn tham gia "Tuần Phê bình" (Semaine de la critique) của Cannes 2010 có ý nghĩa gì ?

- Ý nghĩa lớn nhất là tôi thấy mình được chia sẻ, chí ít là qua những câu hỏi này...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét