30-4-1975, Tướng Minh chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng |
Ngày 30/4/2011, ngày "hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn" (Võ Văn Kiệt) tôi thấy lòng nao nao. Muốn viết một cái gì đó vào ngày này, bật TV thì thấy một ngày như mọi ngày, họ lại say sưa, hào hứng kể về những câu chuyện cũ mèm đã lùi xa 36 năm. Nữ chiến binh, nhà văn "phản động" Dương Thu Hương đã cảm thấy cái gì đó đổ vỡ trong lòng ngay ngày 30/4/1975 giữa thành phố Sài Gòn. Tướng Dương Văn Minh tự hào vì đã trở thành công dân của một đất nước thông nhất (như vua Bảo Đại tự hào vì mình là công dân của một nước độc lập sau ngày 2/9/1945). Tướng Trần Văn Trà nói với tướng Minh "không có bên thắng, bên thua, chỉ có nhân dân Việt nam chiến thắng đế quốc Mỹ". Lịch sử đã có khoảng lùi 36 năm sao chúng ta chưa thể gọi tên chính xác cho sự kiện ấy. Vẫn mãi điệp khúc "ngày chiến thắng", "ngày giải phóng", ai chiến thắng ai, ai giải phóng ai khi mà những người lính viễn chinh Mỹ đã thực sự rút khỏi Việt nam sau Hiệp định Paris 1973? đó là cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ hay cuộc chiến huynh đệ tương tàn?
Cẳng đậu đun hạt đậu
hạt đậu khóc hu hu
cùng sinh từ một gốc
thui nhau nỡ thế ru
Bức ảnh dự báo ngày thống nhất không xa chụp Hai người lính từ 2 bên chiên tuyến tại vùng giáp ranh Quảng Trị năm 1973- Ảnh của Chu Chí Thành-TTXVN |
Người ta kêu gọi "hòa giải và hòa hợp dân tộc" sao 36 năm trôi qua vẫn gọi những người phía bên kia chiến tuyến là ngụy quân, ngụy quyền? Sao khi dân chúng hồ hởi, háo hức đón chào các ông Bush, Clinton ..sang thăm Việt nam; sao báo chí chúng ta tự hào tường thuật việc các nguyên thủ của ta được đón tiếp tại vườn hồng, tại phòng bầu dục tòa Bạch ốc? Sao ông Nguyễn Minh Triết đã thoải mái cụng ly với ông tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ mà chúng ta vẫn không thể gọi ngày 30/4 chỉ bằng cái tên vừa đơn giản, đúng thực tế mà nhân văn là ngày "THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC"?
Kiều bào ở quận Cam gặp gỡ ông Nguyễn Minh Triết |
Ngày nay hầu như những người trẻ tiên tiến đều muốn được học tập tại đất nước của cựu thù (trong đó có rất nhiều con, cháu các nguyên thủ, các chính khách, các đại gia,) nhiều lúc chính phủ đã muốn nâng tầm quan hệ với cựu thù lên mức "đối tác chiến lược", sao những ngày này ta không thể bớt "tự sướng" đi một chút?
Tôi nhớ hồi còn chiến tranh, ngoài Bắc rất thích quàng, đội khăn cắt ra từ vải dù của quân đội Mỹ, trong dân gian truyền tụng câu ca (chắc là từ truyền đơn binh vận của VNCH):
Mồm anh thì bảo quân thù
Sao anh lại đội khăn dù của em
Đã 36 năm trôi qua, đứa trẻ sinh ra từ ngày ấy giờ đã ở "tuổi tam thập nhi lập", vào ngày "Vui" này, mời bạn đọc thử entry dưới đây của nhà văn Nguyễn Quang Lập, bạn nên buồn hay vui?
(nguồn Quechoa blog)
1. Trên bàn nhậu tuần qua toàn là tin tức về những cái chết dễ sợ. Đầu tiên là cái chết của một cái hồ: Hồ Ba Bể đợi ngày… biến mất là cái chết được báo trước của ” hòn ngọc thiên nhiên”, được quốc tế công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Do khai thác quặng, xây dựng bừa bãi, chặt phá rừng gây xói lở, chỉ trong vòng 30 năm, những cái hồ khổng lồ giờ đã bị biến mất thay vào đó là cột điện, ruộng cấy bản làng và đường đi. GS Đặng Hùng Võ nói: “Tôi có cảm giác toàn bộ hệ thống quản lý ở đây đều vô thức, vô cảm, vô trách nhiệm. Chúng ta “ăn quỵt” của thiên nhiên một, chúng ta sẽ bị thiên nhiên đòi lại gấp nghìn lần. Rõ ràng ở một cấp nào đó đã có lỗi và phải chịu trách nhiệm”. Cấp nào vậy ta? Hay là tất cả các cấp, nghĩa là không có cấp nào, hu hu.
2.Kế đến là cái chết của con voi: chú voi Back Khăm, 38 tuổi của đã bị sát hại dã man. “Kẻ ác đã tháo dây xích cột voi, dắt voi vào một khu rừng rậm cách đó khoảng 3km, buộc chân trước vào một cây rừng rồi dùng rìu cố chặt đứt gân 2 chân sau của voi.”
Kẻ ác là ai? Người lạ không dễ đến gần được voi, chỉ người quen mới dễ dàng dắt voi vào rừng sâu. Ủa, ai quen voi Back Khăm vậy ta? Người đẹp Kỳ Duyên đã bình một câu rất hay: Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết. Hay chính “cái gân” đạo đức xã hội vốn đã quá nhiều thương tích một lần nữa, cũng đang bị cứa đau đớn?
3. Loạt bài phóng sự của báo SGGP (chứ không phải của lực lượng thù địch): “Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết” là cái chết thứ ba trên bàn nhậu tuần này. “Nhiều cánh rừng gỗ quý bị chặt trắng, hàng chục hécta đất rừng bị tàn phá và rất nhiều loài động vật quý hiếm bị tàn sát không thương tiếc.”
Ai giết chết Vườn quốc gia Yok Đôn? Chỉ cần đọc đoạn này thì rõ: “Theo quy định, bất kể người dân nào muốn vào các vườn quốc gia đều phải xin phép và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ kiểm lâm vườn, để bảo đảm không một ngọn cỏ, cành cây, không một sinh vật nào có thể mang ra khỏi vườn. Thế nhưng, thực tế tại Vườn quốc gia Yok Đôn lại hoàn toàn khác. Hàng ngày có hàng trăm người dân tự do ra vào vườn bất kể giờ nào với đủ loại phương tiện từ xe gắn máy, xe đạp thồ đến voi… Hàng chục, thậm chí có thời điểm hàng trăm cây gỗ quý – có cây đường kính hơn 1m – mỗi ngày “vô tư” được chở ra khỏi rừng mà không bị một lực lượng chức năng nào kiểm tra, bắt giữ…”
Nếu vẫn không biết thủ phạm là ai hãy đọc đoạn này: “Ra tới đường, lại thấy 2 kiểm lâm lăm lăm khẩu AK quát: “Đi đâu! Nhà báo vào quay phim chụp hình phải không? Ai cho vào, giấy đâu?”. Sau một hồi giằng co, chúng tôi được “tự do” khi nghe tiếng một kiểm lâm nói trong điện thoại: “Để chúng nó đi hả anh…” chợt nhớ câu: Lâm tặc là ai lâm tặc là ta/ Tham ngu vô đạo hóa ra lâm tặc.
4.Thác Bản Giốc từ ngày bị xẻ đôi, nửa còn lại không chết, cũng không bị bắt làm tù binh, nhưng đang rơi vào sự ghẻ lạnh, lãng quên. TẠI SAO, BẢN GIỐC? là tiếng kêu của một người lính khi trở lại chiến trường xưa. Năm 2000 anh lên Bản Giốc nghe lính biên phòng tâm sự: “Mình cứ trồng ngô là họ sang nhổ. Xô xát suốt. Chỉ còn thiếu nước… nổ súng” và ao ước: “Giá khu vực này được đầu tư, phát triển bằng một phần bên kia, bọn em cũng đỡ buồn và đỡ… tủi thân”.
Năm nay anh lên Bản Giốc thì cái sự tủi thân ấy vẫn còn nguyên xi.
“Cách đây gần 5 năm, người ta đã vạch ra cái gọi là Dự án Khu Du lịch Thác Bản Giốc với cơ man các khu chức năng (Trung tâm đón tiếp, điều hành du lịch và dịch vụ công cộng; cơ sở lưu trú; thể thao nước; thăm quan và nghiên cứu hang động kết hợp thể thao leo núi; bản văn hóa các dân tộc…) do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ ký đàng hoàng. Thế nhưng, đến bây giờ, cái mà dự án làm được, chỉ là đoạn đường trải đá dăm đã trôi hết đá, lổn nhổn đá xanh u cục, chiếc cầu tre đủ 2 người tránh nhau và… mấy tấm biển gỗ nền xanh, chữ trắng nhắc nhở “Không tè bậy, vứt rác”…
“Mấy trăm mét đường biên giới thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, ở địa điểm mang tính nhạy cảm nhất nhì, mà không kéo được ngọn điện soi sáng, mà hình như có ý định nhờ láng giềng bên cạnh, nổi tiếng là thâm hiểm – tham lam soi hộ… thì việc người dân đặt câu hỏi về phương thức ngoại giao “buôn bạc giả” cũng là điều dễ hiểu và nguy cơ bị mất đất, nói thật, cũng không thể không xảy ra…”
Đau!
5.“Truy tố nguyên sĩ quan công an tiếp tay chuyển ma túy vào trại giam”là tin khởi đầu cho một loạt tin ai cũng hiểu chỉ một số người không hiểu. “Công an đánh người mang thai tại trụ sở?“- Câu hỏi tương tự thế này tuần nào cũng vang lên. Người ta đang băn khoăn những Dấu hiệu bất thường trong vụ nạn nhân chết tại nhà tạm giữ, chả hiểu sao thắt cổ bằng dây nạp pin điện thoại mà dây không đứt, chỉ bị giãn ra. Lại còn treo cổ ở cửa sổ thì làm sao mà chết. Bỗng có “Thư tuyệt mệnh” của người chết ở trụ sở công an. Vui nhất là trong thư “”Thư tuyệt mệnh” còn có đoạn khen cán bộ điều tra. Cuối cùng tòi ra việc gạ tình vợ nạn nhân. “Sau khi chôn cất chồng, chị Tuyền rời khỏi Tiền Giang. Ngay tức khắc, chị cung cấp qua email cho phóng viên Báo Người Lao Động hai đoạn băng ghi âm hai cuộc điện thoại giữa chị và một người đàn ông tự xưng tên Phú. Theo chị Tuyền, hai đoạn băng này được chị ghi lại khi chồng chị đang bị tạm giữ ở Công an huyện Bến Cát. Nội dung chủ yếu là ông Phú gạ gẫm chị vào khách sạn với ông ta.”
Tất cả những điều trên phải chăng báo hiệu cái chết của nhân tính do loại virus phi nhân tính đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm? Ai cũng hiểu chỉ một số người không hiểu, hu hu.
Mời đọc thêm:
Thấm thoát mà đã 36 năm. Tính từ ngày 30/4/1975. Nhân dịp đọc một cuốn sách cũ, tôi thấy có vài thông tin về kinh tế của miền nam Việt Nam trước 1975 cũng có ý nghĩa so sánh nào đó ...
Về thu nhập bình quần, theo số liệu kinh tế, GDP bình quân ở miền Nam vào thời trước 1975 là 150 USD. Thu nhập này tuy chưa cao mấy thời đó, nhưng cao hơn ở các nước Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan. Ba mươi sáu năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 1100 USD, thua xa Thái Lan (khoảng 4000 USD).
Về giáo dục đại chúng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, năm 1973, tỉ lệ dân số biết đọc, biết viết là 70%, rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó. Hiện nay, tỉ lệ dân số biết đọc và viết là 90%. Ba mươi sáu năm, chỉ tăng 20%?
Hôm nọ, khi tôi viết rằng thời trước 1975, du học sinh Thái Lan sang đại học miền Nam học, còn bây giờ thì mình sang đó ... du học. Chẳng có gì xấu hổ. Người ta giỏi hơn mình thì mình học người ta. Nhưng nói ra sự thật ấy làm tôi nao lòng và buồn về sử đổi đời. Có người từ miền Bắc hỏi tôi có bằng chứng gì giáo dục miền Nam tốt hơn bây giờ? Tôi nói chính tôi là sản phẩm của nền giáo dục thời trước 1975 đây. Còn hàng vạn "sản phẩm" của nền giáo dục trước 1975 đang ở nước ngoài và họ cũng thành danh, thành tài. Đó là một bằng chứng của nền giáo dục trước kia.
Về trình độ của giới cầm quyền, 36 năm sau nước ta đã có 50% bộ trưởng có văn bằng tiến sĩ. Thời trước 1975, tôi không có con số chính xác, nhưng chỉ nhớ số bộ trưởng có bằng tiến sĩ chỉ đếm đầu ngón tay. Ngay cả ông Hoàng Đức Nhã với bằng thạc sĩ nhưng được giới báo chí và công chúng nể lắm rồi. Nhưng theo Giáo sư Đặng Phong thì tuy họ học không cao, nhưng trình độ thật thì cao và đáng nể: “Cần phải phân biệt rõ: nền chính trị thối nát (không phải tôi nói, mà người Mỹ và người trong giới chính trị Sài Gòn nói) với bộ máy kinh tế chuyên nghiệp. Những cấp cao nhất, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng... phần lớn là dân võ biền, là lính sang làm chính trị như Thiệu, Kỳ, Khiêm ... Nói chung, họ không có mấy kinh nghiệm để điều hành một xã hội dân sự văn minh. Nhưng điều đặc biệt là cấp dưới của họ (bộ trưởng, tổng trưởng...) và các chuyên gia hàng đầu đều là những người có học vấn, kiến thức kinh tế - xã hội rất giỏi để vận hành khối lượng tiền, hàng cực lớn. Bằng chứng là Nam VN khi đó đã có hệ thống ngân hàng, hệ thống thuế, bảo hiểm ... trình độ quốc tế, hoạt động toàn cầu. Dân đã xài séc, các công cụ tín dụng, công sở xài máy tính IBM, tổ chức nền kinh tế đã sử dụng các phương tiện hiện đại, mà bây giờ chúng ta mới chập chững tiến vào.”
Ngày xưa (thời VNCH) cũng có tham nhũng, nhưng hình như bản chất hơi khác với thời nay. Ngày xưa, giới quan chức VNCH tham nhũng chủ yếu là ăn chận tiền tài trợ của Mĩ. Thật ra, tham nhũng của VNCH là có lợi cho cách mạng, vì lợi dụng đó mà du kích mới có tiếp viện! Tham nhũng thời VNCH theo Gs Đặng Phong là “một nguồn hậu cần quan trọng giúp chúng ta thành người chiến thắng”. Còn ngày nay, cứ như báo chí phản ảnh thì quan chức ăn chận tiền của … dân. Họ cũng ăn chận (hay ăn cắp?) tài nguyên đất nước. Hình thức tham nhũng nào cũng nguy hiểm, nhưng ăn chận tiền dân và tài nguyên quốc gia thì đúng là nguy hiểm và […]. Giáo sư Đặng Phong nói: “Tham nhũng cũng là một cách ra đời tầng lớp hữu sản cho nên đạo lý kém hơn, chụp giật hơn, lưu manh hơn.”
Ngày 30/4 thường được nhắc đến như là một “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng miền Nam”. Đứng trên quan điểm kẻ thắng người thua, thì chắc cũng có lí do để gọi đó là ngày chiến thắng. Nhưng thử hỏi với cả 4 triệu (?) người phải bỏ mạng trong cuộc chiến đó, cộng thêm hàng trăm ngàn bỏ mạng trên biển, và 3 triệu người lưu vong, thì chiến thắng đó có vẻ vang không? Chẳng lẽ ăn mừng chiến thắng trên xác người? Còn giải phóng thì có nghĩa là giải phóng từ nô lệ, gông cùm của bọn đế quốc, nhưng trong thực tế ngày xưa đâu có nô lệ, và bọn đế quốc Mĩ cũng đâu có gông cùm gì; chúng vẫn phát triển giáo dục tốt, hệ thống y tế tốt, kinh tế gia đình khá no ấm, học trò lễ phép, báo chí nói khá thoải mái (diễu cợt ông Thiệu, ông Kỳ liên miên). Do đó, hai chữ “giải phóng” e rằng không thích hợp với thực tế của những con số vừa trình bày.
(nguồn Nguyễn Văn Tuấn Blog)
Hu hu, viết gì ăn mừng thôi anh ơi, hu hu:-(
Trả lờiXóaKhông hiểu 2 người lính trong tấm hình chụp ở Quảng Trị năm 1973 bây giờ ở đâu, ai còn, ai mất?...
Trả lờiXóa