Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

VÀNG THU

Thu đã vàng một vóc
Trời đã thu một bề
Em đã cười một khóc
Anh đã về một đi

Cuối thu trước mình đi châu Âu, gặp bạn ở Berlin và cùng đi vét chút tàn thu


Cafe nóng

Vét thu

Thu rớt
Chiếc lá thu vàng mấy độ
Dường như cũng bỏ ta đi...


Em nhớ không, mùa thu đã chết

Bạn kể, thu nay lại về nồng nàn, quyến rũ. Bạn nhớ mình, thương mình kiết thu nên gửi tặng những tấm hình bạn mới chụp. Bạn ơi, bạn đang chạm vào trái tim mình...
Thu vàng Berlin 2011- Ảnh của Chính Berlin




Bonus: Bonus: Phong cảnh mùa thu Nhật bản (copy từ DongA blog) Bonus: Thu vàng Nhật Bản


Núi gấm

Hồ thu
Núi thu
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Lá thu

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

NẾU

Con trai- Con dâu (Cái ngày em đến. Cúc vàng ngẩn ngơ. Hồn anh níu giữ. Tóc xanh để chờ. Em như hoa cỏ. Nép mình trong thơ...)

Nếu thế gian này chỉ có đàn ông
Một chút nắng chiều muộn mằn héo tắt
Một chòm sao đờ đẫn ở thinh không
Chiếc thuyền nan trôi vờ vật giữa dòng
Con đò nhỏ, bến bờ hoang vắng lạnh

Nếu thế gian này chỉ có đàn ông
Mặt trời đỏ suốt ngày như say rượu
Biển cồn cào sóng đen ngòm lăn trên bãi
Chẳng có bên bồi, toàn bên lở các bờ sông

Nếu thế gian này chỉ có đàn ông
Chẳng có gió cuốn nụ hoa cười, trời sập sùi chớp mắt
Chẳng có trăng sõng soài đợi lả lơi gió chiều khoan nhặt
Toàn những miệng răng nham nhở mắt xương rồng

Nhưng nếu thế gian này không có đàn ông
Giông tố sẽ dập vùi thân liễu nhỏ
Hoa đầy sắc hương mà bẽ bàng bướm ong chẳng có
Trái non sớm lìa cành thèm một mũi kim ong

Ơn tạo hóa đã xóa đi chữ "nếu"
Cho  cánh đàn ông thành những đức ông chồng
Chiêm ngưỡng nâng niu những bông hoa mình yếu dấu
Mới thoảng hương thôi thoắt đã ngọt trong lòng
Chứ nếu thế gian này chỉ có đàn ông...

(thơ cũ post lại tặng những người phụ nữ nhân ngày 20-10)
Biển Baltic - Hình của bạn Chính Berlin

THƯ CỦA ÔNG CHỒNG, BÀ VỢ VÀ BỒ NHÍ




Thư của bà vợ gửi cô bồ nhí 

“… Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế.
Cô nhầm thảm hại quá, cô ơi!
Quả thật lão ấy là một cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì.
Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã đẽo, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm.
Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lai sự hoang tàn. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ của cô mới không nhận ra điều đó.
Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.
Tôi không vui gì khi lão có bồ. Nhưng chớ nói rằng tôi quá hoảng sợ vì điều đó. Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ bao nhiêu. Phần của cô, hỡi ôi, thật là thảm hại.
Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh. Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn ra khi gặp tắc kè. Dạ thưa cô, khi bằng tuổi cô, tôi cũng ngây thơ như thế. Nhưng lúc này, gặp hai của đấy, tôi chỉ đập một cái cho bẹp dí là xong.
Rồi cô khoe là cô biết chợp mắt, biết ngả đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng. Ôi dào, những trò đó ngày xưa tôi làm mãi. Và bây giờ vẫn có thể làm, thậm chí còn làm hay hơn cô ấy chứ. Nhưng vì mục đích gì, gặt hái gì khi mọi thức đã no nê? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn cả cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng, trong áo may ô chả hiểu là màu gì.
Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là cái thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần. Còn lão có bóng hay không, có sạch hay không, lão phải tự lo. Tôi còn bận lo cho bản thân mình…” (…..)

Và đây là phản hồi của “người tình trẻ”

…xin phép được cho tôi gọi bà là…bà, không hơn không kém, vì chăng bà vẫn mãi chỉ là một con đàn bà cũ kỹ, với những suy nghĩ xưa như chính cái áo bà mặc, kiểu tóc bà để và đôi dép bà lê.
Bà thật là đáng thương khi đã tưởng mình luôn đứng trong vị trí của người ở trên. Bởi vậy nên bà chưa bao giờ biết là bà đang ở vị trí ở dưới hay ở trên hoặc chẳng là gì cả.

Bà yêu và dâng hiến những gì tốt đẹp nhất của minh cho ông ta, để rồi sau khi đã hơt hết đi phần thơm ngon nhất, ông ta bù lại cho phần đời còn lại của bà bằng việc ban thêm cho côc nước cặn một thìa đường. Vậy là bà cứ nghĩ là bà mới là người được hưởng những gì ngọt ngào nhất từ ông ta, là người có quyền chiếm đoạt được phần tinh túy nhất của thằng đàn ông trong con người mà bà gọi là chồng.
Liệu tôi có phải dậy lại bà về đàn ông nữa không ? Chắc chắn là có. Và không có gì phải ngạc nhiên khi bà sẽ là học trò ngu dốt nhất của trường đời. Bà hãy cứ sống nốt kiếp mông muội này đi và hãy ôm theo ảo mộng của bà xuống mồ. Vì rằng, thằng chồng tội nghiệp của bà hay là người đàn ông trong mộng tưởng của tôi thì cuối cùng cũng chỉ là một con cờ nhỏ bé trong cả một ma trận của cuộc chơi. Tôi, bà, ông ta, và rất nhiều thằng đàn ông khác đều đang bị cuốn trong cuộc chơi, chỉ khác, TÔI đang là người cầm cái.

Thư của ông chồng gửi bà vợ và cô bồ nhí

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi được cả thư của cả hai bà. Tôi mạn phép được phúc đáp cả hai qua lá thư ngỏ sau đâyy. Xin mạn phép gọi 1 bà là cơm, 1 bà là phở
Thưa hai bà:
Nếu xét về “thành phần cấu tạo” thì cơm và phở rất giống nhau, đều được làm chủ yếu từ… gạo tẻ. Phở có thịt có hành thì cơm có cũng có, đã vậy cơm còn hay hơn vì không bao giờ bị trộn… hàn the. Cơm cũng rẻ hơn và… no lâu hơn.

.
Dân gian gọi vợ là cơm, bồ là phở. Nếu xét theo khoa học thì cách gọi đó chẳng xúc phạm ai cả vì hai “món” này đều có giá trị độc lập, chả cái nào cao hơn cái nào. Nhưng rõ ràng phở luôn luôn tượng trưng cho sự bay bướm. Ưu thế của phở so với cơm là quá rõ ràng trong chuyện tình ái, mặc dù nhiều lúc “phở” xấu hoặc già hơn “cơm”.
Đàn ông thèm “phở” vì ít được ăn phở. Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền, có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn.
Đàn ông dùng cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, ấm áp đến nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc.
No thì rất khó ăn thêm cơm. Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô. Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn cơm xong nhiều khả năng phải thu dọn và rửa bát đĩa.
“Phở” không quán nào giống quán nào, thậm chí là không tô nào giống tô nào. Còn cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn.
 ”Phở” có thể ăn chung với bạn bè. “Cơm” thì rất ít, phần lớn là ăn chung với… bà nấu cơm.
Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tý hành, tý bánh hoặc thêm tý ớt cho mặn nồng. Còn cơm, có gì trên mâm hãy xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng “không ăn thì thôi”.
Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gầu, gân, sách.. tùy thực khách quyết định. Cơm thì do mụ nấu cơm quyết định.
Nếu ăn phở nhiều tới mức độ trở thành khách quen, khách có thể ăn… nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, “cơm” sẽ dừng ngay.
 Nhưng tôi thừa biết rằng bỏ tiệm “phở” này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ “cơm” thì phức tạp vô cùng.
Chúc cả hai bà khỏe, vui nhân ngày 20-10. Tình yêu của tôi đối với các bà là mãi mãi

(nguồn: internet, hiệu minh blog)

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

TÚP LỀU LÝ TƯỞNG

Khu vườn nọ ở trên ban công một căn nhà nhỏ, cuối một con hẻm nhỏ cực kỳ yên tĩnh...Bỗng một ngày kia trong khu vườn vang lên tiếng hát...

Em ơi có bao nhiêu
Sáu mươi năm cuộc đời
Hai mươi năm đầu
Sung sướng không bao lâu
20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao
 
 Đi đâu cho thiếp theo cùng.
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp mang
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngàng thiếp về

Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều!
Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu!
Mộng vàng hai đứa có chi là quá xa xôi:
Ta mơ một mái nhà tranh
Ta mơ một túp lều tình
Đời mình đẹp mãi với Em và Anh
Đời mình đẹp mãi dưới túp lều xinh...
Rồi mình đi kiêm liễu xanh kết làm mành!
Rồi mình xin khóm trúc xinh trồng hết chung quanh!
Ngoài vườn hoa cúc hoa mai nào khác chi tranh
Ban mai mình ngắm màu hoa
Đêm đêm mình ngắm chị Hằng
Dù nghèo cuộc sống vẫn thêm hào hoa
Đời mình đẹp quá có ai bằng ta...


Túp lều lý tưởng của Anh và của Em!
đâu đâu nào Anh ơi?
Túp lều lý tưởng của Em và của Anh!
đâu đâu nào Em ơi?
Túp lều lý tưởng đó ta xây bằng duyên bằng tình
không ai mà yêu bằng mình
khi ta đứng nhìn một đàn con xinh.....
Tình mình không chắc dễ mua hạnh phúc bằng tiền!
Vì tiền chưa chắc đã cho cuộc sống như tiên!
Ti`nh nghèo hai đứa ước mơ chỉ bấy nhiêu thôi
Ta mơ một mái nhà tranh
Ta mơ một túp lều tình
Đời mình đẹp mãi với Em và Anh
Đời mình đẹp mãi dưới túp lều xinh

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

THỦ GIỐNG THỦ...

 

Đại tướng Kim Jong Un thăm và chỉ đạo tại một nhà máy ở Bình Nhưỡng

 La Thăng hay La Giáng?


Ông Đinh La Thăng. Ảnh: internet.
Bài viết của Huy Đức – Osin. Thanks anh HĐ.

Xe Lam và Thăng Thích Tư Lệnh

Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng hình như đang muốn làm một cái gì đó. So với những quan chức chỉ giữ ghế thì sự xông xáo của ông rất đáng được hoan nghênh. Ông có vẻ như đã đúng khi tìm thấy nguyên nhân làm ách tắc giao thông: Người dân đô thị thay vì sử dụng giao thông công cộng đã chỉ dùng phương tiện cá nhân. Ông cũng đúng khi cho rằng phải hạn chế phương tiện cá nhân đồng thời tăng cường năng lực vận tải công cộng. Nhưng, ông đề nghị: “trước hết là cấm xe cá nhân đi vào một số tuyến phố chính, sau đó mở rộng dần”; trong khi chưa thấy ông đưa ra cách gì “tăng cường” các phương tiện công cộng để người dân đi lại.
Trong ngày nhận chức, ông Đinh La Thăng nói với báo chí: “Ra đường nhìn thấy một cô gái mặc rất đẹp thì không phải vì thế ta mua ngay bộ đồ đó về cho vợ mặc”. Vậy mà, giờ đây, cứ bắt đầu một chính sách là ông lại dẫn Singapore làm thế này, Thailand và Trung Quốc làm thế kia. “Các thành phố lớn của Trung Quốc làm gì có xe máy” như ông nói. Nhưng, một trong những thành phố lớn đó là Quảng Châu, phải mất mười năm, đầu tư xe bus, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, vận động nhân dân rồi đến năm 2006, họ mới đưa toàn bộ xe gắn máy ra nghĩa địa.
Cũng trong ngày nhận chức, ông Thăng nói: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi mới làm được”. Nếu ông Đinh La Thăng muốn làm tư lệnh thì có lẽ Thủ tướng nên khuyến khích ông học bơi rồi giao cho ông một hải đoàn ra lấy lại Hoàng Sa. Bộ trưởng là một nhà hành pháp chính trị chứ không phải là “thủ lĩnh” như hồi ông làm Bí thư Đoàn Tổng công ty xây dựng Sông Đà. Phương tiện để thực hiện các ý định của Bộ trưởng là chính sách, là thuyết phục, chứ không phải là ra lệnh.
Để giải bài toán giao thông đô thị không thể chỉ nắm đầu đứa “bé miệng” nhất: xe máy. Không biết đã có khi nào ông Đinh La Thăng ra ăn cháo gà Hải Triều, nhìn cao ốc Bitexco 68 tầng được xây trên khuôn viên chỉ rộng 6.000m2. Để tính, sau khi kinh tế phục hồi, nếu tòa nhà văn phòng ấy có đủ người đến làm việc thì giờ tan tầm lấy đâu chỗ cho họ đứng khi vừa tiếp đất. Bitexco cũng đang làm thủ tục để biến Trung tâm cấp cứu Sài Gòn thành một cao ốc khoảng 55 tầng. Dòng người từ các cao ốc được xây ở trung tâm này sẽ di chuyển như thế nào để về nhà? Để trả lời câu hỏi ấy, Bộ trưởng Giao thông phải thảo luận với Chính quyền Thành phố, Bộ xây dựng và đương đầu với các thế lực sau lưng Vincom, Bitexco… chứ không ngồi quyết một mình được đâu “Thăng Tư lệnh” ạ.
Bài toán giao thông công cộng phải được giải trước khi cấm các phương tiện cá nhân. Không chỉ vì giao thông công cộng chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội, Sài Gòn, mà còn bởi taxi thì quá mắc còn xe bus thì đang rất bất tiện. Ở “các thành phố trên thế giới” mà ông Thăng hay ví dụ, từ bến xe bus hay Metro người dân khá thoải mái khi đi bộ tới chỗ làm việc hay về nhà. Ở Việt Nam, dân chúng đã chiếm hết vỉa hè, từ nơi làm việc ra bến xe bus rồi từ bến xe bus đi bộ về nhà đều vừa quá xa vừa bất tiện.
Để nối các khoảng cách đó, nên tham khảo một loại xe rất được ưa dùng ở Sài Gòn trước đây: xe lam. Xe lam là một phương tiện có thể len lỏi trong nhiều con phố nhỏ. Xe lam cũ có nhược điểm là rất ồn. Nhưng, có thể đóng mới một loại xe chở 8 người theo mô hình xe lam sử dụng đầu máy honda 250 phân khối.

Xe lam thưở nào. Ảnh: internet
Xe bus cồng kềnh không nên để chạy trên tất cả các tuyến như hiện nay vì xe thì to lại chạy hết sức nghênh ngang trong khi đường sá thì quá chật. Xe bus lớn chỉ nên cho chạy từ Đông sang Tây theo đại lộ Võ Văn Kiệt. Từ hướng Hóc Môn, xe bus lớn nên dừng lại ở công viên Gia Định; Từ Củ Chi nên dừng lại ở một trạm đầu đường Cộng hòa; Từ Thủ Đức, nên dừng lại bên ngoài cầu Điện Biên phủ. Một loại xe bus dưới 45 chỗ có thể chạy xuyên tâm theo trục Lý Thường Kiệt, 3-2, Điện Biên Phủ… Phần còn lại dành cho “xe lam”.
Trước đây, đã có những hợp tác xã vận tải sử dụng xe Daihatsu cải tạo theo mô hình xe lam nhưng bị các “ông lớn” xe bus gây sức ép để thành phố dẹp những chiếc Daihatsu không xin trợ giá đó. Xe lam cũng chở được từ 8 đến 10 người như Daihatsu mà rẻ hơn và chiếm chỗ ít hơn. Xe lam cũng sẽ làm giảm lượng taxi, loại phương tiện 4 chỗ thường chỉ có một khách ngồi trên đó.
Tiếp theo, phải đầu tư skytrain và metro. Có thể làm trước skytrain vì rẻ hơn và thời gian đưa vào sử dụng nhanh hơn, cho dù nó có thể làm xấu không gian đô thị. Chỉ khi có metro và skytrain nối trung tâm Hà Nội với Ba Vì, Tam Đảo; nối Chợ Bến Thành với Bình Dương, Củ Chi… các khu chung cư cách thành phố 30-45 phút skytrain bắt đầu mọc lên thì mới cho các cao ốc văn phòng xây dựng giữa trung tâm thành phố. Các phương tiện giao thông công cộng phát triển tới đâu thì ban hành chính sách “làm khó” phương tiện cá nhân tới đó. Khi đó, có thể học cách thu lệ phí xe vào thành phố của Thượng Hải; có thể học cách thu lệ phí xe đi vào một số tuyến đường trung tâm, cách đấu thầu quyền đăng ký xe mua mới của Singapore… Có thể thu trước một số lệ phí xe cộ và xăng dầu để đầu tư nếu Bộ trưởng thuyết phục được người dân những khoản thu ấy là cần thiết.
Cấm như cách mà Bộ trưởng Đinh La Thăng định làm thì tất nhiên là đỡ phải suy nghĩ hơn. Nhưng, Bộ không phải là công trường như Sông Đà hay Ialy để cần một người ra lệnh. Vai trò của Bộ trưởng là đưa ra chính sách. Muốn làm chính sách thì phải phân tích và phải theo đúng quy trình. Đôi khi để giải quyết một vấn nạn ở tầm quốc gia lại phải bắt đầu bằng việc trả lời những câu hỏi nhỏ: Nếu cấm xe máy ở một số tuyến đường như Bộ trưởng mới sáng kiến thì làm sao người dân có nhà trên những tuyến phố ấy có thể đón bạn bè đi xe máy tới nhà mình? Vì sao họ lại không có quyền đi xe máy như người dân ở những con phố khác?

Lời bình của HM. Trong âm nhạc có hai nốt nhạc giáng (b) hay thăng (#) mà ghép thành tên người rất đẹp: My Giáng (E b) hay Giáng My và La Thăng (A #).
Có lẽ bác Bộ trưởng BGTVT có bố mẹ là nhạc sỹ nên mới chọn nốt La Thăng để đặt tên con. Lên hàm Bộ trưởng ông vẫn dùng tone như A # (La thăng) trong phát biểu, nhất là đoạn đòi cấm xe máy ở một số tuyến đường.
Theo phỏng đoán của HM, có lẽ vài tuần nữa thôi, nốt nhạc A # (La thăng) sẽ thành A b (La giáng), hạ giọng hẳn đi một tone cho dễ “hát”.
La hét, ra lệnh chỉ là chuyện phụ, đưa ra chính sách hài hòa như nhạc trưởng mới có thể thay đổi được bộ mặt giao thông Việt Nam. Đoạn này thì Tổng Cua rất tâm đắc với người ở Osin.
(Nguồn: Hiệu Minh blog)

    Lời bình của Korolbo: 
    1-Korolbo hình dung nếu ý tưởng của Đinh tư lệnh thành hiện thực thì các con phố chính của SG, HN sẽ như những dòng sông thơ mộng, trôi dịu dàng trên đó là nhưng chiếc xuồng mang biển xanh. Hai bên bờ là các tầng tầng lớp lớp lục bình "thị dân" đang rèn luyện sức khỏe bằng đi bộ giống như bên Tây bên Nhật. Để đỡ thiệt thòi, những người ngồi trên những chiếc xuồng biển xanh chiều chiều sẽ về đi bộ ở sân gôn.Thật là lãng mạn XHCN.
    2-Mặc dù Đinh Tư lệnh hơn Kim Đại tướng hơn 20 tuổi nhưng phong độ cũng xem xem, khẩu hình của hai vị cũng đẹp như nhau và có chung tên gọi là "miệng quan".