Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

THU MUỘN

Thu gõ cửa hồn tôi
những tiếng thì thầm
Có lẽ muộn,
thơ đề không đủ chỗ
Sen chớm lụi
vội vàng
bông cúc nở
Đêm Vũng tàu
sóng vỡ
khối tình câm.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

CỤ HỒ MUÔN TUỔI

Hồi trẻ tôi có đọc một bài thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh (không nhớ tên tác giả), bài thơ cũng giản dị nhưng ghép các chữ đầu câu thành "Cụ Hồ muôn tuổi":

   CỤ già thong thả buông cần trúc
       HỒ nước mênh mông gợn ánh hồng
     MUÔN vạn đài sen thơm bát ngát
TUỔI  già vui thú với non sông.


Tôi thấy hay hay nên cũng thử làm một bài kiểu như vậy. Bài này có tựa đề là "HOÀNG HÔN",  tôi làm khi mới vào năm thứ nhất Đại học. 37 năm rồi, tôi vẫn thuộc bài thơ này, chép lại ra đây tôi cũng hơi ngạc nhiên về tâm trạng u ám của mình khi mười sáu tuổi, quả là buồn không đợi tuổi.


Em bé Hmong ở Sapa khi nhìn thấy Korolbo


HOÀNG HÔN

NHỮNG cánh chim chấp chới xa dần về nơi chân trời xanh rì còn le lói vài tia nắng dọi
NGÀY nhường cho đêm những phút hiếm hoi lộng gió trong lòng hay xót thương một niềm đau nhói
NÀY gió ơi mi biết đã mang theo gì buồn , vui, giận, hờn mà cứ một chiều man mác thổi?
TÔI xua đi khổ đau và mang nhớ thương tưới mát mọi tâm hồn.
THẤY bóng ai bên lùm cây mà như bỗng giật mình nghe tiếng gọi.
BUỒN mơn man khi chợt nhớ những chiều xưa nhịp bước chân dồn
nghĩa biết bao những âm thanh đang cồn lên dìm xuống của ta cả một trời chiều rất mực dịu dàng vẫn chẳng kém phần tươi rói
CÙNG với ta lúc này không biết có bao người đang thả hồn trôi dạt giữa hoàng hôn?

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

CÔ PHI CƠ ĐIỆN

Cô Huệ Phi là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tốt nghiệp ĐHNN cô là cô giáo môn Tiếng Nga khi chúng tôi vào ĐH năm thứ nhất, khi đó cô đang sống hạnh phúc với chồng cô, một cựu biệt động SG tốt nghiệp ĐHBKHN và đang làm trưởng Phòng giáo vụ. Sau 75 thầy cô chuyển vào TPHCM, sự sụp đổ lòng tin vào CNCS đã đưa thầy từ cực đoan này đến cực đoan khác. Vì nhiều lý do khác nữa, thầy cô sống ly thân đến giờ. Trái lại với thầy, cô vẫn một mực tin yêu vào chế độ mà thầy cô đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình. Ngày cô trò tôi gặp nhau đến giờ thoắt đã 37 năm rồi. Cô năm nay tròm trèm 70 tuổi, gặp trò cũ vẫn hát vang bài "Tuổi thanh niên sôi nổi".


Thương kính tặng Cô Phi



quạnh chiều về nơi bến vắng
Phi thương , phi phú, chẳng phi tình
sự an bài theo số phận
Điện sáng trong lòng vẹn chữ trinh




Một, hai, ba, zô (Korolbo K10MA, Liễu Mai Sâm K15IA, Cô Phi- Quán Tre, VT)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT

Giang hồ vặt  tại Hà Lan
Tôi thích hiểu hai chữ "Giang hồ" theo nghĩa tích cực, là "trọng nghĩa, khinh tài", là "chọc trời khuấy nước" trái ngược với những hình ảnh "bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình sao đây". "Giang hồ" mà kèm thêm "lãng tử" thì đã thấy xông xênh bầu rượu, túi thơ, thấy "gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo". Bởi vậy tôi thích đọc blog "Người lữ hành kỳ dị" của kẻ "uông rượu làm thơ giang hồ nửa buổi" Đàm Hà Phú (tôi lưu trong blog mình dưới tên "Giang hồ lãng tử"). Thích thơ anh và thích những câu chuyện cuộc đời giang hồ nửa buổi của anh. Tôi thán phục và phần nào ghen tỵ với anh, người đã dám sống hết mình cho những đam mê, sống nhiều hơn tôi, trải đời nhiều hơn tôi dù ra đời sau tôi dễ đến một con giáp. Tôi cũng đồng cảm với nhà thơ Thu Bồn "ta cũng chẳng màng chi nghiệp lớn. Bồ đào không có chẳng giai nhân. Cửa nhà thông thốc mười phương gió. Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần".
Tất nhiên tôi rất thích bài thơ "Giang Hồ" dưới đây của nhà thơ Phạm Hữu Quang, rất tiếc chàng đã dừng bước giang hồ khi mới vừa 49 (28-4-2000). Tôi không chắc nhiều người biết bài thơ này nhưng chắc chắn rất nhiều người thuộc hai câu thơ "GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT. NGHE TIẾNG CƠM SÔI CŨNG NHỚ NHÀ". Tôi chép lại đầy đủ bài thơ này từ trang Web của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

GIANG HỒ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ.

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa bưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cũng liêu xiêu.

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì phải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

 5 – 1991
Phạm Hữu Quang
Bất đáo trường thành phi hảo hán

 

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

THƠ MAI VĂN PHẤN

 

Cách đây nhiều năm, trên thi đàn nổi lên cái tên một nhà thơ nữ Hải Phòng Dư Thị Hoàn, "TAN VỠ" là một trong những bài thơ hay của chị với những câu thơ giản dị, cô đọng nhưng thể hiện một mỹ cảm rất tinh tế và nữ tính:
Mở ngăn kéo rồi, anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…
Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành chồng vợ
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn cũng là các nhà thơ Hải Phòng đứng chung trong một cuộc hội thảo thơ tại hải Phòng ngày 15/5/2011. Nếu Đồng Đức Bốn (đã mất) là nhà thơ dân giã từng được đánh giá cao về những bài thơ lục bát hay của mình:

Chăn trâu cắt cỏ trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một cánh diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành than

Thì Mai Văn Phấn là một giọng thơ hoàn toàn khác

(korolbo).

THƠ LÀ NGÔI LỜI

PHẠM XUÂN NGUYÊN


Thơ tuyển Mai Văn Phấn vừa ra mắt bạn đọc. Ngày 15-5-2011, tại Hải Phòng, sẽ diễn ra hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, do Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng và Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức. Nhân dịp này, xin giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về tập Thơ tuyển Mai Văn Phấn, và 3 bài thơ chọn ngẫu nhiên trong tập.
                                                                                             T.Đ.T
                                                             *
                                                          *    *

Đây là tuyển thơ lần thứ nhất của nhà thơ Mai Văn Phấn.
Từ những bài thơ đầu tiên anh đã muốn khác, và khác. Vẫn trong cái vẻ lục bát nhịp nhàng muốn thành cổ điển, người thơ đặt vào đấy một sự cân xứng trầm tĩnh khá là lạ nếu ta biết khi anh xuất hiện đang ở tuổi trẻ. Câu thơ sáu tám trong cái sự chừng mực của khuôn hình nhưng chữ dùng và nhịp thơ của người viết đã chất chứa một sự thăm dò để bung phá. Anh là một người làm thơ chững chạc ngay từ đầu, có ý thức ngay từ đầu.
Vâng, ngay từ đầu, nhà thơ đã đi tìm. Tìm trong một xác quyết thơ phải khác. Khác với thơ hôm qua, khác với thơ hôm nay. Khác trong mỗi bài, mỗi câu. Khác với chính mình trước mỗi hành động viết thơ. Cho nên rất ít thấy thơ Mai Văn Phấn trong những cuộc điểm danh của dàn đồng ca chung về thơ. Thơ anh đứng hẳn ra một chỗ mà mỗi khi được nói đến là nói với sự trân trọng cùng với một mơ hồ bí ẩn mà người nói chưa dám chắc, còn người được nói thì đang như hứa hẹn. Và quả thật, mỗi tập thơ của Mai Văn Phấn ra đời là một sự khác. Nó được đẩy tới trên con đường đi tìm. Quyết liệt, nhẫn nại, nhà thơ đưa thơ vào những ngõ ngách tâm hồn mình và những thế trận, ma trận chữ. Sáng tạo là làm khác để làm mới, tại sao lại không dám thử con âm con chữ cái nghĩa, tại sao không xới tung những khuôn khổ khung hình tưởng đã yên ổn, vững vàng. Anh đã nghĩ những tại sao như vậy và thơ anh tìm cách trả lời những tại sao đó. Ráo riết, băn khoăn, ngờ vực, tự tin, nhà thơ bắt thơ mình làm ra ướm vào nhiều hình nhiều dạng chữ, nhiều thể cách phát ngôn, nhiều khuôn thức tạo nghĩa. Có thể nói, anh đã nhúng thơ vào cả trường cổ điển và hiện đại, cả hậu hiện đại nữa, để tìm cái anh đi tìm. Đây là một điều theo tôi rất quan trọng, có ý nghĩa thiết yếu đối với người sáng tạo văn chương nghệ thuật, đặc biệt cho thơ và người thơ. Hành động tìm kiếm luôn là tìm cái đi tìm, chứ không phải từ đầu mình đã biết là tìm cái gì. Trong quá trình tìm đó, người viết tạo ra mọi khả năng chữ có thể, và cũng sa vào mọi có thể khả năng chữ, để rồi bất ngờ, ngẫu nhiên mà cũng lại là tất yếu, hắn hạnh ngộ được cái hắn tìm. Chữ bật ra Lời. Thơ là/thành Ngôi Lời. Run rẩy và sững sờ. Thiêng liêng và huyền hoặc. Và khi đó và từ đó, hắn biết mình ở đâu, biết mình là ai trong khoảng không-thời gian của sáng tạo, phút chốc và miên viễn. Trong đời người ta hiếm lắm giây phút được mặc khải, nhưng với thơ sự thần khải có thể lóe lên ở một chữ, một từ. Khi đó nhà thơ là người được ban ân sủng, nói theo cách thường hình dung nhà thơ là tín đồ của một tôn giáo thơ ca, tôn giáo cái đẹp cao cả.
Tôi vừa nói hậu hiện đại của thơ Mai Văn Phấn trên đường tìm thơ. Ở đây hậu hiện đại không phải là ở chỗ hình thức bề ngoài như trình bày bài thơ theo dạng văn bản fax, cũng không phải ở chỗ rối rắm, phức tạp cố ý. Thơ Phấn hậu hiện đại trước hết theo nghĩa mỹ học hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard. Nhà triết học Pháp phân biệt các phạm trù hiện đại và hậu hiện đại trong nghệ thuật theo hai cách. Thứ nhất, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) được gọi là một phong trào tiền phong thì luôn làm việc bên trong bản thân chủ nghĩa hiện đại (modernism). Nó mới mẻ và khác biệt đến chỉ có thể gọi là hiện đại khi nhìn lại. Theo nghĩa này, chủ nghĩa hậu hiện đại là tinh thần của sự thực nghiệm cuốn chủ nghĩa hiện đại vào những hình thức bấp bênh, luôn thay đổi; nó là sức mạnh phá vỡ làm lung lay những quy tắc đã được công nhận về tiếp nhận và ý nghĩa. Đối với Lyotard một cái gì đó cần phải là hậu hiện đại đã, trước khi nó trở thành hiện đại. Cụ thể, nó cần phải khiến lo lắng trước khi nó trở thành chuẩn mực được chấp nhận. Điều này, Mai Văn Phấn có thể ý thức được hay không, nhưng độc lập và đồng thời cùng một số những nhà thơ khác, anh đã thực hiện những bước đi hậu hiện đại để tìm cách xác lập một giọng điệu khác của thơ, trước hết là cho mình.
Thứ hai, theo Lyotard, nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại có thể phân biệt theo cách sau. Cả hai đều liên quan với cái bất khả thể hiện (unpresentable): cái không thể được trình bày (hay biểu hiện) trong nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật hiện đại trình bày một thực tế là có cái bất khả thể hiện, trong khi nghệ thuật hậu hiện đại cố tìm cách trình bày cái bất khả thể hiện đó. Lyotard viết: “Nghệ sĩ hoặc nhà văn hậu hiện đại ở vị thế của nhà triết học: văn bản hắn viết ra hay tác phẩm hắn tạo ra về nguyên tắc không bị điều khiển bởi những quy tắc được xác lập từ trước… Những quy tắc và phạm trù như vậy là cái mà tác phẩm hay văn bản đang tìm kiếm. Người nghệ sĩ và nhà văn do đó là làm việc không có các quy tắc và để xác lập những quy tắc cho cái đang được làm ra. Đấy là lý do vì sao tác phẩm và văn bản có những đặc tính của một biến cố (event)”. Điều này có nghĩa, văn học nghệ thuật mang tiềm năng biến đổi. Nghệ thuật, theo Lyotard, không đơn giản là phản ánh hiện thực. Đúng hơn, nó can thiệp vào các thể loại diễn ngôn cấu trúc một hiện thực định sẵn và mở ra những khả năng phá vỡ và thay đổi [các thể loại diễn ngôn đó]. Chính là trong tinh thần này, Mai Văn Phấn đã làm bối rối người đọc thơ anh khi họ thấy anh xới tung, lật tung mọi thứ, và tưởng chừng như bế tắc, lúng túng. Quả là đọc thơ anh có lúc nghĩ cũng lo cho người thơ và cho thơ. Lo trong một niềm đồng cảm và chờ đợi.
Bầu trời không mái che. Thì ra những hình thức, thể loại này khác chỉ là những thứ mái che, cần có lúc, nhưng không phải lúc nào cũng cần. Con người sinh ra vốn đầu trần. Thơ khởi thủy là Lời để thành Ngôi Lời. Tuyển thơ Mai Văn Phấn này chứng thực chặng đường người thơ đi từ Chữ về Lời, từ hiện đại về truyền thống. Cái truyền thống vẫn là hồn nhiên, trong trẻo, nhưng đã ngấm chất hiện đại, nên là truyền thống của hiện tại, được nói bằng một giọng điệu Mai Văn Phấn. Một giọng điệu thơ Việt. Giống như ta mang giọng làng quê đi khắp năm châu bốn biển nói nhiều thứ tiếng, khi trở lại làng giọng ta nghe như không đổi mà thực ra là đã đổi đến tưởng như không đổi. Thơ Việt Nam hiện đại có một giọng điệu Nguyễn Quang Thiều chan chứa, tràn trề âm sắc mang nỗi khắc khoải buồn về sự phai nhạt, tàn lụi những giá trị sống truyền thống. Giọng điệu thơ Mai Văn Phấn trầm lắng, vật vã trong câu chữ dồn nén lo âu trước sự tha hóa của nhân sinh hiện thời. Sắc điệu thơ Phấn, thơ Thiều vừa là cái đã tìm thấy vừa vẫn mở ra những cái khác mới đi tìm. Nguyễn Quang Thiều cũng vừa có tuyển thơ lần thứ nhất của mình. Và đây tuyển thơ lần thứ nhất của Mai Văn Phấn. Như vậy, thế hệ thơ mới sau 1975 đã đến, đã ở lại trong thơ Việt bằng một giọng điệu thơ khác, một lối thơ khác. Đó là  một niềm vui mừng.
Đọc tuyển thơ Mai Văn Phấn là đi cùng nhà thơ trở lại con đường thơ của anh và thế hệ anh. Đi cùng và lắng nghe những nỗi xôn xao của người thơ khi bước một mình trên đường và cả tiếng xôn xao của người đọc thơ khi không trên đường một mình như nhà thơ. Trong trường hợp này tôi muốn dẫn lời nhà thơ Pháp Henry Deluy để nói với cả hai: “Trước hết chúng ta cần quy ước với nhau cái ta gọi là thơ. Điều này hoàn toàn không phải là đương nhiên. Có một định nghĩa về thơ như là cuộc trò chuyện với Chúa. Nhưng tôi không tin vào Chúa. Tôi không bao giờ trò chuyện với ông ta. Dù là tôi làm thơ. Và không phải một mình tôi có thái độ như thế. Dùng từ "đe dọa" để nói về thơ, tôi cho là rất không thích hợp. Tôi nghĩ các nhà thơ bao giờ cũng tìm được khả năng để tự thể hiện. Cả cái gọi là nghệ thuật trình diễn, cả cái gọi là thơ thị giác thực ra đều không gây ra hiểm họa nào. Ngược lại, tất cả các cái mới đó giúp mở rộng thêm trường thơ. Hơn nữa, chúng không phải được mang từ ngoài vào, mà phát sinh từ cái chúng ta gọi là thơ.” (Ngân Xuyên dịch). Xin hiểu Chúa ở đây như một biểu tượng. Đối với một nhà thơ mang nhân đức tin mãnh liệt như Mai Văn Phấn, thơ là ánh sáng thiêng liêng của Đấng Toàn Năng luôn soi sáng và dẫn dắt.
Khởi thủy là Lời. Thơ là Ngôi Lời. Trên cánh đồng nhân gian, Mai Văn Phấn vác cây thánh giá thi ca bước đi, và, bước tới dưới bầu trời không có mái che. Mái che của nhà thơ là trời, là Ngôi Lời.

                                                                                          Hà Nội tháng 3. 2011
                                                                                                        P.X.N


MAI VĂN PHẤN

Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ

Pha xong ấm trà
Quay ra
Ông khách không còn ở đó
Gọi điện thoại
Người nhà bảo ông mất đã bảy năm
Nhầm lẫn

Nhà mình
Mọi sự đảo lộn
Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ
Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?
Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

Ghé sang hàng xóm
Thử hỏi mấy loại thực phẩm
Loại tăng giá
Loại còn giữ giá.

Trong nhà
Trà vẫn nóng
Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt
Chốc lại cúi gập.


Đúng vậy

Lúc đi
ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng
tóc cắt ngắn
tay cầm cuốn sách

ra gần cửa còn lẩm bẩm:
sáng rồi tối... thối rồi thơm... bơm rồi xì... đi rồi ngã... vả rồi thương... ương rồi chín... nín rồi thét... kẹt rồi lơi... xơi rồi hóc... bóc rồi che... đe rồi chừa... đưa rồi quỵt... bịt rồi hở... lỡ rồi toi... moi rồi thấy...

chốt cửa gỗ
kéo cửa sắt
ông bấm năm chiếc khóa
rồi ném chìa vào trong nhà

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm
thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:
"Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...
Xin cảm ơn và hậu tạ".

sau mẩu giấy vẫn văng vẳng:
quấy rồi đục... nhục rồi than... tan rồi huề... mê rồi tỉnh... thỉnh rồi buông...


Ngậm em trong miệng

Luôn tin có em trong miệng anh

Nơi không chiến tranh, dịch hạch
Mũi tên bắn lén tẩm độc
Thị phi, cạm bẫy, lọc lừa
Lối em đi không còn gai nhọn
Bão tràn qua anh dựng tường ngăn

Bình yên trong miệng anh
Em thúc nhẹ bờ vai
Vòm ngực, ngón chân vào má
Huyên thuyên và hát thầm
Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể

Anh là con cá miệng dàn dụa trăng
Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động
 (Nguồn Blog Trần Đức Tiến)

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

SINH NHẬT KOROLBO VÀ KARL MARX

Thuở nhỏ tôi vẫn tự hào khoe với bạn bè là ngày sinh của tôi trùng với ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đôi lúc cao hứng "thấy người sang bắt quàng làm họ" tôi còn khoe là mình sinh cùng tháng với Karl Marx, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới (5/5) và  Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc (19/5) (hic).

Thời gian như vó câu ngoài cửa sổ, "trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng", có những điều tưởng như là chân lý đã trở thành phi lý, có những niềm tin đã bị đánh cắp, có những hy vọng trở thành thất vọng, nhiều thần tượng của một thời đã mang khuôn mặt khác..

Chiều 15/5/2011, tôi coi chương trình "ĐỐI THOẠI TRẺ" trên VTV6 về nhân tài và sử dụng nhân tài. Hai vị khách mời của chương trình là nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà báo Phan Thế Hải (được MC giới thiệu là một đồng sáng lập báo Vietnamnet).

Nhìn thấy khuôn mặt quen quen của nhà báo Phan Thế Hải tôi mới  tìm lại blog "Nhà báo-Phan Thế Hải" (Lò Văn Zin) mà tôi vẫn thường đọc mà không biết gì về chủ blog, tôi đọc được một entry thú vị và thực sự bất ngờ với tôi cũng như có thể với tất cả các bạn.. 

Tôi copy lại entry này của anh, âu cũng là một kỷ niệm trong một lần sinh nhật mình.

193 năm ngày sinh Karl Marx

Đăng ngày: 07:15 06-05-2011
Thư mục: Tổng hợp

Chiều qua, lướt qua sạp báo, thấy một số tờ của Tiệc đưa tin về Mác, lãnh tụ nhiều râu của giai cấp vô sản và đồng thời cũng là lãnh tụ tinh thần của Tiệc ta. Việc đặt hình tượng của hai ông, Mạc (râu) và Nin (hói) lên bàn thờ ở xứ Thiên đường đang được những người có lương tâm đặt ra nhiều câu hỏi.
Tại sao không phải là vua Hùng, Trần Hưng Đạo hay Lê Lợi… mà là hai ông này? GS Tuyết, bạn vong niên Chủ tịch giải thích: Thực chất ông nhiều râu có nguồn gốc từ họ Mạc, từ thời Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Mạc bị Trịnh đánh cho chạy te tua, phải lưu vong sang tận nước Đức. Giòng dõi ấy sau này sinh ra Mạc Văn Cạc. Người Đức gọi là Kark Marx. Còn ông hói là giòng dõi của Lê Lợi. Nhà Lê bị Trịnh ức hiếp, một số đồng chí sang Nga tỵ nạn (kiểu như xuất khẩu lao động). Giòng dõi ấy sau này sinh ra Lê Văn Nin.
Điều này lý giải vì sao, hai ông này được Tiệc ta son phấn nhiều đến thế. Son phấn nhiều quá khiến người ta nghi ngờ về con người thật đời thường của hai ông. Nay tình cờ đọc được một số tư liệu từ cuốn sách của Paul Johnson có tên: Intellectuals (“Những nhà trí thức”) do Weidenfeld & Nicolson xuất bản năm 1988. Thấy những thông tin về đ/c Mạc râu không hoàn toàn như những gì đã nhồi nhét ở xứ Thiên đường. Xin được thuật lại ở đây vài nét để bà con có thêm thông tin về một trong hai ông đang được Tiệc ta đặt lên bàn thờ:
P.T.H.

1. Một kẻ ích kỷ, suốt đời chỉ biết lợi dụng người khác
Johnston mô tả Marx là một kẻ có thói lợi dụng không biết xấu hổ (shameless exploitation) đối với “bất kỳ ai ở gần”, trước hết là lợi dụng ngay “những người thân trong gia đình của chính ông”. (trang 7)
Khi còn là một sinh viên, Marx đã không ngừng đòi hỏi người cha ốm yếu và cần cù của ông phải cung cấp tiền bạc cho ông tiêu xài. Nếu cha của Marx không đáp ứng kịp những đòi hỏi ấy, thì Marx giận dữ gào thét vào mặt cha. Khi cha chết, Marx không hề xúc động, không hề đi dự đám tang, nhưng chỉ tìm đến mẹ để tiếp tục đòi tiền.
Sau đó, Marx chuyển sang lợi dụng Engels. Johnston mô tả việc ấy như sau:
Engels là đối tượng mới của sự lợi dụng. Từ giữa những năm 1840, khi họ vừa quen biết nhau, cho đến khi Marx chết, Engels đã trở thành nguồn lợi tức chính cho gia đình của Marx. Có lẽ Engels đã đưa cho Marx hơn một nửa lợi tức mà ông kiếm được. . . Mối quan hệ giữa hai người gần như tan vỡ trong năm 1863, khi Engels cảm thấy thái độ xin xỏ vô tâm của Marx đã đi quá trớn. Engels giữ hai cái nhà ở Manchester, một cái để làm nơi giải trí cho các doanh nhân, một cái thì dành riêng cho cô tình nhân, Mary Burns. Khi cô ấy chết, Engels đau khổ sâu sắc. Ông cuồng nộ khi nhận từ Marx một bức thư vô cảm. . . Trong bức thư đó, Marx chỉ viết vài chữ nhắc sơ sài đến sự mất mát ấy của Engles, rồi lập tức chuyển ngay sang vấn đề quan trọng hơn, tức là đòi hỏi tiền bạc. Không có gì minh hoạ cái bản chất ích kỷ dị hợm của Mark rõ ràng hơn nữa. (trang 75)
 2. Một kẻ bóc lột, bạc bẽo, đạo đức giả
Marx luôn mồm hô hào tranh đấu cho quyền lợi của người lao động, nhưng chính ông lại là một kẻ bóc lột ghê tởm. Ông đã không hề trả một xu cho Helen [hoặc Helene, Helena] Demuth — người đã làm đầy tớ suốt đời cho gia đình ông —, hơn nữa, ông còn lạm dụng tình dục Helen, làm cô ta có chửa, đẻ ra một đứa con trai nhưng không được lấy họ Marx. Và ông đối xử với đứa con trai ấy một cách tàn tệ. Johnston mô tả việc ấy như sau:
Trong tất cả những bài nghiên cứu của ông về những sự bất công của chế độ tư bản ở Anh quốc, Marx đã phát hiện rất nhiều trường hợp những người lao động bị trả lương thấp, nhưng ông chưa bao giờ phát hiện trường hợp một người lao động không hề được trả một đồng lương. Thế nhưng, người lao động ấy có thật, ở ngay trong nhà ông. Khi Marx với gia đình cùng tản bộ trong những ngày Chủ Nhật, với y phục tề chỉnh, thì ở đàng sau có một phụ nữ vóc người thấp nhỏ mang giỏ thức ăn và các vật dụng khác. Đó là Helen Demuth, mà mọi người trong nhà gọi là “Lenchen”. Sinh năm 1823, thuộc tầng lớp nông dân, từ năm lên 8 tuổi cô đã làm đầy tớ cho gia đình Wesphalen [tức là gia đình quyền quý bên vợ của Marx]. Cô được cho ăn mặc nhưng không được trả một đồng xu nào.
Năm 1845, Nam Tước Phu Nhân [tức là mẹ vợ của Marx], cảm thấy buồn rầu và lo lắng cho ái nữ của mình vừa lấy chồng, đã sai cô đầy tớ Lenchen, lúc ấy 22 tuổi, theo hầu hạ cho Jenny Marx [tức là vợ của Marx] để giúp cho Jenny Marx khỏi cực nhọc. Thế rồi Lenchen ở lại làm đầy tớ trong gia đình Marx cho đến khi chết năm 1890. . .
Lenchen là một người lao động cực kỳ chuyên cần, không chỉ nấu nướng và giặt giũ mà còn giúp tính toán việc chi tiêu trong nhà, một việc mà Jenny không có khả năng làm. Marx không bao giờ trả cho cô một xu.
Năm 1849-1850 [lúc Lenchen được 26-27 tuổi] là giai đoạn đen tối nhất của gia đình Marx, khi Lenchen biến thành hầu thiếp của Marx và mang thai. . . Đẻ ra một đứa con trai. . .
Marx lảng tránh trách nhiệm, ngay từ lúc đó và mãi mãi, và chối từ những lời đồn đoán rằng ông là cha của đứa bé. . . Đứa con trai ấy được đem gửi cho gia đình Lewis, một gia đình thuộc giai cấp lao động, nuôi giùm. Nhưng nó vẫn được đến nhà Marx để thăm mẹ nó. Tuy nhiên, nó bị cấm không được đi vào cửa trước, và bị bắt buộc chỉ gặp mẹ nó ở trong nhà bếp. . .
Cuối cùng, Marx thuyết phục Engels giúp đỡ một cách riêng tư cho Freddy [tức là Frederick Demuth, tên đứa con rơi ấy], như một lối che đậy cho câu chuyện gia đình của Marx. (trang 79-80)


Helen Demuth (“Lenchen”) – Karl Marx – Jenny Marx


Frederick Demuth (1851-1929)- đứa con vô thừa nhận của Karl Marx
  (Nguồn Blog Nhà báo Phan Thế Hải)

 
PHỤ BẢN:

QUÀ SINH NHẬT KOROLBO
 
Đời nhạt nên cần rượu
Rượu nhạt làm sao say
Say nhạt tình cũng nhạt
Tình nhạt buồn ai hay?
(Korolbo)

Mời đọc thêm:

ĐỐI TỬU
Nguyễn Du
Ngồi xếp bên sông chuyếnh choáng say
Tả tơi hoa rụng với rêu bày
Sinh thời không cạn xong vò ấy
Lúc chết mồ ai tưới rượu đây
Xuân sắc dần thay oanh vút mất
Tháng ngày thấm thoắt tóc hoa dày
Trăm năm ví được luôn say khướt
Mấy nỗi cuộc đời nẫu ruột thay
 (Ngô Văn Phú dịch)

CẦM KỲ THI TỬU
Nguyễn Công Trứ
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng giành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Chót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn còn phím chúc tính tình đây
Ai say ai tỉnh ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

LẠ



Ta bỗng thấy lòng bồi hồi day dứt, ở ngoài kia phượng chín đỏ sân rồi, kỷ niệm chợt ùa về như thác lũ, nhìn lên trời riu ríu lục bình trôi.

Cánh diều thơ chìm xuống nước còn bơi, tiếng sáo thổi vo ve đàn cá lượn, bờ đê thảm lớp rơm vàng sượm, con cào cào xé gió đạp tơi bời.

Chiều sông quê gió cứ thổi bời bời, chiếc đò nhỏ nép mình vào bên lở, quả tim nhỏ nép mình vào bỡ ngỡ, tóc đuôi gà vừa đấy đã xa xôi.

Sông khỏa thân cởi nước ra chơi, làn da đỏ rám phù sa mật ngọt, cơ thể oằn nhấp nhô con sóng cuộn, vì sao xanh nhắm mắt quặn câu cười.

Gió lạ mùa chao chát thổi chơi vơi, xòe bàn tay đếm chỉ tòan cát sỏi, ánh sáng điện xóc vào đầu đau nhói, vì sao xanh đã chín rụng lâu rồi.
Gió lạ mùa chao chát thổi chơi vơi..
 


Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

VỀ CÙ HUY HÀ VŨ HAY BỐN BÀI "VỀ" KHÁC

Dù đứng trên quan điểm nào thì cũng không thể phủ nhận hiện tượng Cù Huy Hà Vũ trên sân khấu chính trị, xã hội, tư pháp, truyền thông ở nước ta thời gian qua và có thể còn mãi về sau. Trước đó lại là một hiện tượng theo chiều hướng khác, GS Ngô Bảo Châu, giải thưởng Field và những ngày vinh qui bái tổ ở quê nhà. Sự giao thoa của hai hiện tượng trên chính là bài viết của GS Ngô Bảo Châu về TS Cù Huy Hà Vũ và phiên tòa xử ông đăng trên blog Thích Học Toán của GS mà tôi đã copy lại trong phần comment trong entry "CÙ HUY HÀ VŨ". Bài viết này của GS đã gây nên một cơn địa chấn trên mạng với rất nhiều sự tán đồng cũng như không ít sự phản đối. Phản ứng của chính quyền, phía bị chỉ trích trong bài viết của GS Châu , tỏ ra hơi muộn màng và phần nào vụng về, thiếu thuyết phục thông qua bài viết  quá dài và khá công phu của Quí Thanh chỉ trích GS Châu đã ngộ nhận về TS Vũ trên báo CAND và ANTG. Liệu bài viết này có gây nên một cơn địa chấn nữa không, chúng ta hãy chờ xem. 

Điều nực cười là trong khi Quí Thanh (báo CAND) phê phán "GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng" thì ở một động thái khác, trong một ngữ cảnh khác, một nhà xuất bản tên tuổi là Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung chủ biên (ảnh bìa). Theo lời nhà xuất bản, cuốn sách này là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

Theo đó, 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam được nhóm tác giả lựa chọn đề cập và nghiên cứu trong cuốn này: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và… Đặng Lê Nguyên Vũ (lĩnh vực kinh tế, kinh doanh), lại là một ông Vũ nữa.
Được xếp chung với 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử hơn 4.000 năm của Việt Nam theo công trình nói trên là 4 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử thế giới: Chulalongkorn - Nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein - Người thay đổi tư duy của nhân loại, Thomas Alva Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates - Biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức.

Việc nghiên cứu và phổ biến các tấm gương danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc là việc cần thiết để giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, dư luận quá băn khoăn về việc nhóm tác giả công trình này xếp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên hiện nay - ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971) chung với các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử!
Một công trình khoa học lịch sử do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành tôn vinh doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ chung với các bậc vĩ nhân, những nhân vật có giá trị trường tồn trong lịch sử mà cả dân tộc đã tôn kính, tự hào từ bao đời nay đồng nghĩa với việc nhóm tác giả đã đưa ông Vũ vào ngôi đền thiêng của người VN, trong khi để đánh giá toàn diện vị trí, vai trò, sự nghiệp của một con người đối với lịch sử dân tộc, thì lại quá khập khiễng và không phải lúc! Cần nói rõ, ông Vũ là đồng tác giả của nhóm chủ biên gọi là công trình khoa học này (!?).Một điều cần nói thêm, trong cuốn sách của công trình nghiên cứu dày 328 trang này thì nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang (từ trang 242 đến trang 283), trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!
(những thông tin này từ nguồn báo SGGP) 
Trong một thế giới phẳng, sự độc quyền  về thông tin đang bị đe dọa nếu không nói là bất khả. Theo chiều ngược lại nếu không bằng sự tư duy của chính bản thân mình, rất có thể bạn sẽ bị lạc hướng hoặc nhấn chìm bởi những thác lũ thông tin nhiều chiều ấy.


BÀI 1-VỀ SỰ SỢ HÃI
Ngô Bảo Châu

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.
(Nguồn: Blog Thích Học Tóan.)


BÀI 2-VỀ SỰ NGỘ NHẬN CỦA GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHẤU
11:32:00 10/05/2011
 



Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.
 
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…
Trong blog cá nhân của mình  (blog Thích học toán - entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: "Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này". Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.

So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng của Hector, hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình.
Minh họa: Hữu Khoa.
Cù Huy Hà Vũ sống trong một thời đại khác. Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng. Cù Huy Hà Vũ đã làm gì để đạt tới một tầm vóc như vậy?

Đây là một câu hỏi không khó trả lời. Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: "Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?". Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều. Nhiệt huyết thì do bố truyền lại, đức tài thì tự mình phong cho mình. Hơn nữa với cách trả lời trên thì gần như duy nhất Vũ là người có đức có tài hoặc cái đức cái tài của Vũ hơn hẳn thiên hạ. Ứng cử vào một chức vụ liên quan nhiều đến văn hóa, ngay từ vốn văn hóa ứng xử cơ bản Vũ đã hiểu hết chưa?
GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là mục đích của tất cả những hành động trên của Cù Huy Hà Vũ là gì? Liệu nó có phải vì đất nước, vì dân tộc như một số người vẫn thổi phồng hay không?
Nhìn lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị. Và chi tiết thể hiện ham muốn quyền lực mang tính chất cá nhân lớn nhất của Vũ chính là việc tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Cứ giả sử Vũ muốn cống hiến thật thì đó cũng là một cống hiến có điều kiện, một điều kiện không hề khiêm tốn.
Có những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng. Bằng những tụng ca đầy tính từ, Cù Huy Hà Vũ đã được đẩy lên đến tận mây xanh. Dân chủ đã trở thành những chiêu bài chính được đưa ra trong những ý kiến cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ. Một người có trí tuệ không bao giờ chấp nhận một tư cách như Vũ làm anh hùng. Trường hợp còn lại, họ hiểu Vũ không đủ khả năng làm anh hùng nhưng vẫn biến Vũ thành anh hùng thì đây là những hành động đơn thuần nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân. Vũ khoác lên bộ y phục lóng lánh của những mỹ từ, trong khi giá trị thực cũng chỉ là một con bài trong tay kẻ khác mà thôi.
Chỉ có điều đáng tiếc ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội đó. GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình.
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.
Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Việc phân tích từng câu nói, mổ xẻ từng ý tứ của Ngô Bảo Châu tưởng như để thể hiện sự tôn vinh, hóa ra lại trở thành một sự lợi dụng. Chân lý không quan tâm đến người phát ngôn. Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng. Có những kẻ cần sự nổi tiếng, cần niềm tin mà những người Việt Nam đang đặt trên hình tượng Ngô Bảo Châu. Về mặt phương pháp cũng không khác gì việc thổi Cù Huy Hà Vũ lên thành một anh hùng để thực hiện những toan tính cá nhân.
Việt Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.
Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhắc kỹ càng.
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần". Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy

Quý Thanh
===
 

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/NgamNghi-VietNam/Mot_bai_viet_xa_la_voi_nghe_bao/

BÀI 3-VỀ MỘT BÀI VIẾT XA LẠ VỚI NGHỀ BÁO


Bùi Quang Minh
Chungta.com
Tôi đi chợ mua "đồ ăn tinh thần" hôm nay, một ngày nóng nực, oi bức. Dẫu món ăn quá thiu thối, nhưng cũng là món độc hiếm, mấy tháng nay mới thấy trên báo chí có một món vừa nhắc tới trí thức trong tù Cù Huy Hà Vũ, vừa nhắc đến trí thức ngoài tù Ngô Bảo Châu như vậy. Có lẽ nó chỉ thơm, tươi, ngon... với người ăn sẵn, ăn thụ động, lười suy nghĩ, cơ hội và tăm tối. Tôi thay mặt họ cũng xin cảm tạ người đã cấy trồng, lao động cật lực, nấu nướng mãi mấy tháng mới cho ra những món ăn tinh thần giá bèo của thời lạm phát này. Nhưng do món hôm nay quá ôi thiu gây xáo trộn, bí bách tinh thần không thể chịu được nữa, nên xin phép trình bày ý kiến của mình.
Luật gia Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Quý Thanh... tất cả các anh đều là những người trí thức, ở các hạng khác nhau (viết vì tiền, viết vì quyền, viết vì trách nhiệm...), đều đã cung cấp cho tôi những món ăn đủ mọi mùi vị, độ ngon của các anh. Nhưng món người trí thức dấn thân, của người công dân đau đáu vì đất nước, của con người văn minh, có văn hóa thì không thể thiu thối ngay sau khi viết ra được, dù tiết trời có nóng nực...

"Từ trước đến nay tôi chỉ tập trung vào chuyên môn nhưng khi biết mình được giải thưởng, tôi nhận thức trách nhiệm xã hội của mình sẽ lớn hơn." (GS Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong)

Dưới khía cạnh làm người trí thức chân chính, Quý Thanh đã thất bại thảm hại, bởi anh không đi đến cùng các giá trị chân chính cộng đồng như sự thật, công lý dùng để đánh giá và tôn vinh. Dưới khía cạnh đả kích cá nhân, làm theo nhiệm vụ, viết để tuyên truyền, Quý Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ ở mức nghiệp vụ trung bình với sự tận dụng dăm ba chuyện đời tư nhặt nhạnh chưa được kiểm chứng và đồn thổi để đăng tải công khai trên báo chí một chiều.
Báo chí thêm một lần nữa có thêm bài viết của nhà báo Quý Thanh cùng phương pháp "dưới thắt lưng", "chụp mũ", cảm tính nông cạn làm cho tôi thấy lời của nhà báo bậc thầy Phan Khôi, viết năm 1936 quá đúng: "Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo"*), hay nói chính xác hơn lời của GS Ngô Bảo Châu ngày nay: "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia cũng khó mà làm hơn".
Tuy không phải là quan điểm của chungta.com và cá nhân tôi, nhưng vì chungta.com là nơi để các bạn tập suy xét, phản biện, để rộng đường tham khảo, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài viết của nhà báo Quý Thanh như một quan điểm riêng của Quý báo ngành Công An và của tác giả Quý Thanh .


BÀI 4- VỀ SỰ CÃI NGẲNG VÀ LÝ ĐIỀM
Nguyễn Quang Lập (nguồn Quê choa Blog)

Ở quê tui, người ta gọi sự cãi liều cãi lấy đượccãi ngẳng. Người cãi ngẳng thường có những lý lẽ bất chấp logic của vấn đề, không thèm để ý đến lý lẽ của đối phương, hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trẳng thay đen lý lẽ của đối phương để chụp mũ đối phương, lý lẽ ấy gọi là lý điềm.
Ví dụ trong bài “Về sự sợ hãi” của gs Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Gs Châu đã viết:”Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”  Trong đoạn này gs Châu đã khẳng định hai điểm, một là ở phiên tòa CHHV đã không hề sợ hãi, hai là CHHV giống Hector,Turnus hay Kinh Kha ở đặc điểm: “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”. Muốn cãi lại gs Châu để  khẳng định gs ngộ nhận thì phải chứng minh được hai điểm: một là thực ra ở phiên tòa CHHV đã  rất hèn nhát, hai là khác với Hector,Turnus hay Kinh Kha, CHHV đã sợ hãi “khi đối diện với số phận của mình”. Rứa mới gọi là cãi.
Nhưng chứng minh được hai điểm đó là chuyện không thể. Vì thế, để cãi lấy được lý lẽ của gs Châu, ông ( bà) Quý Thanh, tác giả bài: ” Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu“, buộc phải đánh tráo khái niệm, tháu cáy lý lẽ. Trong khi Ngô Bảo Châu nói về sự sợ hãi thì Quý Thanh lại luận anh hùng; trong  khi Ngô Bảo Châu so sánh CHHV với các anh hùng kia  chỉ ở một đặc điểm “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình” thì Quý Thanh cố chụp mũ gs “đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.”
Ngay cả khi chụp mũ như vậy, Quý Thanh cũng phải bàn đến điều mà gs Châu nói đến là khí phách của CHHV ở phiên tòa, liệu khí phách ấy có xứng đáng khí phách của  người anh hùng hay không, có so được khí phách anh hùng của các vị anh hùng đã nói hay không. Rứa mới phải nhẽ. Đằng này Quý Thanh  đã không hề nhắc lại khí phách ấy, cố tình lờ đi khí phách ấy khi luận về sự so sánh CHHV với các vị hành hùng kia. Nếu đã thích luận so sánh như vậy, Quý Thanh cũng phải luận về những hành động của CHHV dẫn đến tù tội có đáng được coi là hành động anh hùng hay không, đằng này Quý Thanh lại lôi chuyện đời tư của CHHV ra để chỉ trích, những chuyện chẳng ai biết thực hư  phải quấy ra sao. Khác gì khi người ta đang khen sự can đảm của một người thì lại khăng khăng bảo rằng trong người kẻ ấy có hắc lào.
Những lý sự kiểu ấy không thuyết phục được ai, chỉ tổ gây tranh cãi  và bực mình. Cho nên học theo gs Ngô Bảo Châu, tui cũng nói như ri: không thể lấy sự cãi ngẳng và lý điềm làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Rứa đo rứa đo. 



TRÍCH DẪN SAI
(Nguồn Nguyễn Văn Tuấn blog)

Báo CAND mới đăng bài viết chỉ trích Gs Ngô Bảo Châu và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tôi không bàn đến nội dung bài viết, chỉ muốn chỉ ra một trích dẫn sai, nhưng có ý nghĩa không nhỏ. 
Trong đoạn cuối của bài viết, tác giả viết: “Ngn ng Hy Lp nói: ‘Nếu Thượng đế mun hy hoi ai đó, thì trước hết, ngài s biến người y thành mt v thn’.” Trích dẫn này sai. Không có câu ngạn ngữ Hi Lạp nào nói như thế cả.
Ngạn ngữ Hi Lạp nói rằng “When the gods seek to destroy someone, first they make him mad”.  Cũng có phiên bản viết “Those whom the gods wish to destroy they first make mad/angry”, "He whom the Gods wish to destroy, first makes angry".  Tạm dịch là “Khi các thần linh muốn tiêu diệt một ai, họ sẽ làm cho người đó điên lên”. Gods ở đây nên hiểu là thần linh, chứ không phải Thượng đế (một số đạo chỉ tin có 1 Thượng đế, chứ không có nhiều thượng đế). Làm cho điên khùng, chứ không biến thành một vị thần như tác giả viết/hiểu.
Câu này được trích dẫn nhiều lần trong quá khứ, nhưng hình như nghĩa của nó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Ngày xưa, người ta nghĩ thần thánh rất ác ôn, nên mới có chữ "destroy" (tiêu hủy, tiêu diệt). Theo câu ngạn ngữ, thì để diệt ai đó, các thần linh sẽ trước hết làm cho người đó nổi giận, nổi điên lên. Còn sau đó, thần linh làm gì thì chúng ta không biết, nhưng chắc là hành động không tốt mấy. Đặt trong bối cảnh, câu ngạn ngữ có tính cách cảnh báo. Ngày nay, chúng ta biết rằng không có thần linh hay thượng đế nào cả (ít ra là tôi nghĩ thế, vì không có bằng chứng). Do đó, câu nói trên cho biết nếu chúng ta đang thấy ai nổi nóng, thì người đó đang tự hủy diệt mình. Câu này xem ra ứng nghiệm với những ai đang nổi nóng với Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ. :-)
Hình như Khổng Tử cũng từng nói đại khái rằng một người nóng giận thì trong người đầy độc tố.  Nên tránh xa người đó! 
NVT
===