Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

VỀ CÙ HUY HÀ VŨ HAY BỐN BÀI "VỀ" KHÁC

Dù đứng trên quan điểm nào thì cũng không thể phủ nhận hiện tượng Cù Huy Hà Vũ trên sân khấu chính trị, xã hội, tư pháp, truyền thông ở nước ta thời gian qua và có thể còn mãi về sau. Trước đó lại là một hiện tượng theo chiều hướng khác, GS Ngô Bảo Châu, giải thưởng Field và những ngày vinh qui bái tổ ở quê nhà. Sự giao thoa của hai hiện tượng trên chính là bài viết của GS Ngô Bảo Châu về TS Cù Huy Hà Vũ và phiên tòa xử ông đăng trên blog Thích Học Toán của GS mà tôi đã copy lại trong phần comment trong entry "CÙ HUY HÀ VŨ". Bài viết này của GS đã gây nên một cơn địa chấn trên mạng với rất nhiều sự tán đồng cũng như không ít sự phản đối. Phản ứng của chính quyền, phía bị chỉ trích trong bài viết của GS Châu , tỏ ra hơi muộn màng và phần nào vụng về, thiếu thuyết phục thông qua bài viết  quá dài và khá công phu của Quí Thanh chỉ trích GS Châu đã ngộ nhận về TS Vũ trên báo CAND và ANTG. Liệu bài viết này có gây nên một cơn địa chấn nữa không, chúng ta hãy chờ xem. 

Điều nực cười là trong khi Quí Thanh (báo CAND) phê phán "GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng" thì ở một động thái khác, trong một ngữ cảnh khác, một nhà xuất bản tên tuổi là Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung chủ biên (ảnh bìa). Theo lời nhà xuất bản, cuốn sách này là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

Theo đó, 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam được nhóm tác giả lựa chọn đề cập và nghiên cứu trong cuốn này: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và… Đặng Lê Nguyên Vũ (lĩnh vực kinh tế, kinh doanh), lại là một ông Vũ nữa.
Được xếp chung với 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử hơn 4.000 năm của Việt Nam theo công trình nói trên là 4 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử thế giới: Chulalongkorn - Nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein - Người thay đổi tư duy của nhân loại, Thomas Alva Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates - Biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức.

Việc nghiên cứu và phổ biến các tấm gương danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc là việc cần thiết để giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, dư luận quá băn khoăn về việc nhóm tác giả công trình này xếp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên hiện nay - ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971) chung với các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử!
Một công trình khoa học lịch sử do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành tôn vinh doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ chung với các bậc vĩ nhân, những nhân vật có giá trị trường tồn trong lịch sử mà cả dân tộc đã tôn kính, tự hào từ bao đời nay đồng nghĩa với việc nhóm tác giả đã đưa ông Vũ vào ngôi đền thiêng của người VN, trong khi để đánh giá toàn diện vị trí, vai trò, sự nghiệp của một con người đối với lịch sử dân tộc, thì lại quá khập khiễng và không phải lúc! Cần nói rõ, ông Vũ là đồng tác giả của nhóm chủ biên gọi là công trình khoa học này (!?).Một điều cần nói thêm, trong cuốn sách của công trình nghiên cứu dày 328 trang này thì nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang (từ trang 242 đến trang 283), trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!
(những thông tin này từ nguồn báo SGGP) 
Trong một thế giới phẳng, sự độc quyền  về thông tin đang bị đe dọa nếu không nói là bất khả. Theo chiều ngược lại nếu không bằng sự tư duy của chính bản thân mình, rất có thể bạn sẽ bị lạc hướng hoặc nhấn chìm bởi những thác lũ thông tin nhiều chiều ấy.


BÀI 1-VỀ SỰ SỢ HÃI
Ngô Bảo Châu

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.
(Nguồn: Blog Thích Học Tóan.)


BÀI 2-VỀ SỰ NGỘ NHẬN CỦA GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHẤU
11:32:00 10/05/2011
 



Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.
 
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…
Trong blog cá nhân của mình  (blog Thích học toán - entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: "Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này". Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.

So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng của Hector, hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình.
Minh họa: Hữu Khoa.
Cù Huy Hà Vũ sống trong một thời đại khác. Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng. Cù Huy Hà Vũ đã làm gì để đạt tới một tầm vóc như vậy?

Đây là một câu hỏi không khó trả lời. Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: "Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?". Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều. Nhiệt huyết thì do bố truyền lại, đức tài thì tự mình phong cho mình. Hơn nữa với cách trả lời trên thì gần như duy nhất Vũ là người có đức có tài hoặc cái đức cái tài của Vũ hơn hẳn thiên hạ. Ứng cử vào một chức vụ liên quan nhiều đến văn hóa, ngay từ vốn văn hóa ứng xử cơ bản Vũ đã hiểu hết chưa?
GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là mục đích của tất cả những hành động trên của Cù Huy Hà Vũ là gì? Liệu nó có phải vì đất nước, vì dân tộc như một số người vẫn thổi phồng hay không?
Nhìn lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị. Và chi tiết thể hiện ham muốn quyền lực mang tính chất cá nhân lớn nhất của Vũ chính là việc tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Cứ giả sử Vũ muốn cống hiến thật thì đó cũng là một cống hiến có điều kiện, một điều kiện không hề khiêm tốn.
Có những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng. Bằng những tụng ca đầy tính từ, Cù Huy Hà Vũ đã được đẩy lên đến tận mây xanh. Dân chủ đã trở thành những chiêu bài chính được đưa ra trong những ý kiến cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ. Một người có trí tuệ không bao giờ chấp nhận một tư cách như Vũ làm anh hùng. Trường hợp còn lại, họ hiểu Vũ không đủ khả năng làm anh hùng nhưng vẫn biến Vũ thành anh hùng thì đây là những hành động đơn thuần nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân. Vũ khoác lên bộ y phục lóng lánh của những mỹ từ, trong khi giá trị thực cũng chỉ là một con bài trong tay kẻ khác mà thôi.
Chỉ có điều đáng tiếc ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội đó. GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình.
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.
Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Việc phân tích từng câu nói, mổ xẻ từng ý tứ của Ngô Bảo Châu tưởng như để thể hiện sự tôn vinh, hóa ra lại trở thành một sự lợi dụng. Chân lý không quan tâm đến người phát ngôn. Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng. Có những kẻ cần sự nổi tiếng, cần niềm tin mà những người Việt Nam đang đặt trên hình tượng Ngô Bảo Châu. Về mặt phương pháp cũng không khác gì việc thổi Cù Huy Hà Vũ lên thành một anh hùng để thực hiện những toan tính cá nhân.
Việt Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.
Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhắc kỹ càng.
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần". Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về "anh hùng" Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy

Quý Thanh
===
 

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/NgamNghi-VietNam/Mot_bai_viet_xa_la_voi_nghe_bao/

BÀI 3-VỀ MỘT BÀI VIẾT XA LẠ VỚI NGHỀ BÁO


Bùi Quang Minh
Chungta.com
Tôi đi chợ mua "đồ ăn tinh thần" hôm nay, một ngày nóng nực, oi bức. Dẫu món ăn quá thiu thối, nhưng cũng là món độc hiếm, mấy tháng nay mới thấy trên báo chí có một món vừa nhắc tới trí thức trong tù Cù Huy Hà Vũ, vừa nhắc đến trí thức ngoài tù Ngô Bảo Châu như vậy. Có lẽ nó chỉ thơm, tươi, ngon... với người ăn sẵn, ăn thụ động, lười suy nghĩ, cơ hội và tăm tối. Tôi thay mặt họ cũng xin cảm tạ người đã cấy trồng, lao động cật lực, nấu nướng mãi mấy tháng mới cho ra những món ăn tinh thần giá bèo của thời lạm phát này. Nhưng do món hôm nay quá ôi thiu gây xáo trộn, bí bách tinh thần không thể chịu được nữa, nên xin phép trình bày ý kiến của mình.
Luật gia Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Quý Thanh... tất cả các anh đều là những người trí thức, ở các hạng khác nhau (viết vì tiền, viết vì quyền, viết vì trách nhiệm...), đều đã cung cấp cho tôi những món ăn đủ mọi mùi vị, độ ngon của các anh. Nhưng món người trí thức dấn thân, của người công dân đau đáu vì đất nước, của con người văn minh, có văn hóa thì không thể thiu thối ngay sau khi viết ra được, dù tiết trời có nóng nực...

"Từ trước đến nay tôi chỉ tập trung vào chuyên môn nhưng khi biết mình được giải thưởng, tôi nhận thức trách nhiệm xã hội của mình sẽ lớn hơn." (GS Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong)

Dưới khía cạnh làm người trí thức chân chính, Quý Thanh đã thất bại thảm hại, bởi anh không đi đến cùng các giá trị chân chính cộng đồng như sự thật, công lý dùng để đánh giá và tôn vinh. Dưới khía cạnh đả kích cá nhân, làm theo nhiệm vụ, viết để tuyên truyền, Quý Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ ở mức nghiệp vụ trung bình với sự tận dụng dăm ba chuyện đời tư nhặt nhạnh chưa được kiểm chứng và đồn thổi để đăng tải công khai trên báo chí một chiều.
Báo chí thêm một lần nữa có thêm bài viết của nhà báo Quý Thanh cùng phương pháp "dưới thắt lưng", "chụp mũ", cảm tính nông cạn làm cho tôi thấy lời của nhà báo bậc thầy Phan Khôi, viết năm 1936 quá đúng: "Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo"*), hay nói chính xác hơn lời của GS Ngô Bảo Châu ngày nay: "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia cũng khó mà làm hơn".
Tuy không phải là quan điểm của chungta.com và cá nhân tôi, nhưng vì chungta.com là nơi để các bạn tập suy xét, phản biện, để rộng đường tham khảo, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài viết của nhà báo Quý Thanh như một quan điểm riêng của Quý báo ngành Công An và của tác giả Quý Thanh .


BÀI 4- VỀ SỰ CÃI NGẲNG VÀ LÝ ĐIỀM
Nguyễn Quang Lập (nguồn Quê choa Blog)

Ở quê tui, người ta gọi sự cãi liều cãi lấy đượccãi ngẳng. Người cãi ngẳng thường có những lý lẽ bất chấp logic của vấn đề, không thèm để ý đến lý lẽ của đối phương, hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trẳng thay đen lý lẽ của đối phương để chụp mũ đối phương, lý lẽ ấy gọi là lý điềm.
Ví dụ trong bài “Về sự sợ hãi” của gs Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Gs Châu đã viết:”Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”  Trong đoạn này gs Châu đã khẳng định hai điểm, một là ở phiên tòa CHHV đã không hề sợ hãi, hai là CHHV giống Hector,Turnus hay Kinh Kha ở đặc điểm: “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình”. Muốn cãi lại gs Châu để  khẳng định gs ngộ nhận thì phải chứng minh được hai điểm: một là thực ra ở phiên tòa CHHV đã  rất hèn nhát, hai là khác với Hector,Turnus hay Kinh Kha, CHHV đã sợ hãi “khi đối diện với số phận của mình”. Rứa mới gọi là cãi.
Nhưng chứng minh được hai điểm đó là chuyện không thể. Vì thế, để cãi lấy được lý lẽ của gs Châu, ông ( bà) Quý Thanh, tác giả bài: ” Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu“, buộc phải đánh tráo khái niệm, tháu cáy lý lẽ. Trong khi Ngô Bảo Châu nói về sự sợ hãi thì Quý Thanh lại luận anh hùng; trong  khi Ngô Bảo Châu so sánh CHHV với các anh hùng kia  chỉ ở một đặc điểm “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình” thì Quý Thanh cố chụp mũ gs “đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.”
Ngay cả khi chụp mũ như vậy, Quý Thanh cũng phải bàn đến điều mà gs Châu nói đến là khí phách của CHHV ở phiên tòa, liệu khí phách ấy có xứng đáng khí phách của  người anh hùng hay không, có so được khí phách anh hùng của các vị anh hùng đã nói hay không. Rứa mới phải nhẽ. Đằng này Quý Thanh  đã không hề nhắc lại khí phách ấy, cố tình lờ đi khí phách ấy khi luận về sự so sánh CHHV với các vị hành hùng kia. Nếu đã thích luận so sánh như vậy, Quý Thanh cũng phải luận về những hành động của CHHV dẫn đến tù tội có đáng được coi là hành động anh hùng hay không, đằng này Quý Thanh lại lôi chuyện đời tư của CHHV ra để chỉ trích, những chuyện chẳng ai biết thực hư  phải quấy ra sao. Khác gì khi người ta đang khen sự can đảm của một người thì lại khăng khăng bảo rằng trong người kẻ ấy có hắc lào.
Những lý sự kiểu ấy không thuyết phục được ai, chỉ tổ gây tranh cãi  và bực mình. Cho nên học theo gs Ngô Bảo Châu, tui cũng nói như ri: không thể lấy sự cãi ngẳng và lý điềm làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Rứa đo rứa đo. 



TRÍCH DẪN SAI
(Nguồn Nguyễn Văn Tuấn blog)

Báo CAND mới đăng bài viết chỉ trích Gs Ngô Bảo Châu và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tôi không bàn đến nội dung bài viết, chỉ muốn chỉ ra một trích dẫn sai, nhưng có ý nghĩa không nhỏ. 
Trong đoạn cuối của bài viết, tác giả viết: “Ngn ng Hy Lp nói: ‘Nếu Thượng đế mun hy hoi ai đó, thì trước hết, ngài s biến người y thành mt v thn’.” Trích dẫn này sai. Không có câu ngạn ngữ Hi Lạp nào nói như thế cả.
Ngạn ngữ Hi Lạp nói rằng “When the gods seek to destroy someone, first they make him mad”.  Cũng có phiên bản viết “Those whom the gods wish to destroy they first make mad/angry”, "He whom the Gods wish to destroy, first makes angry".  Tạm dịch là “Khi các thần linh muốn tiêu diệt một ai, họ sẽ làm cho người đó điên lên”. Gods ở đây nên hiểu là thần linh, chứ không phải Thượng đế (một số đạo chỉ tin có 1 Thượng đế, chứ không có nhiều thượng đế). Làm cho điên khùng, chứ không biến thành một vị thần như tác giả viết/hiểu.
Câu này được trích dẫn nhiều lần trong quá khứ, nhưng hình như nghĩa của nó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Ngày xưa, người ta nghĩ thần thánh rất ác ôn, nên mới có chữ "destroy" (tiêu hủy, tiêu diệt). Theo câu ngạn ngữ, thì để diệt ai đó, các thần linh sẽ trước hết làm cho người đó nổi giận, nổi điên lên. Còn sau đó, thần linh làm gì thì chúng ta không biết, nhưng chắc là hành động không tốt mấy. Đặt trong bối cảnh, câu ngạn ngữ có tính cách cảnh báo. Ngày nay, chúng ta biết rằng không có thần linh hay thượng đế nào cả (ít ra là tôi nghĩ thế, vì không có bằng chứng). Do đó, câu nói trên cho biết nếu chúng ta đang thấy ai nổi nóng, thì người đó đang tự hủy diệt mình. Câu này xem ra ứng nghiệm với những ai đang nổi nóng với Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ. :-)
Hình như Khổng Tử cũng từng nói đại khái rằng một người nóng giận thì trong người đầy độc tố.  Nên tránh xa người đó! 
NVT
===

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét