Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

CHA CON LÀM THƠ

Các cháu nội ngoại của anh Báo (tổng cộng 13 cháu), ảnh mình chụp tại Lao Cai 2006, trong số này giờ đã có 4 SVĐH


Anh em Sơn, Bắc con của con trai út của anh tại Vũng tàu
Anh là Trịnh Công Báo, là anh thứ 2 trong nhà, nếu tính con trai thì anh là anh cả, anh Vấn (PGSTS Trịnh Công Vấn) là thứ 8 và mình đi đoạn hậu sau anh Báo 23 năm. Anh Báo là người con có chí hướng, sỹ khí nhất nhà, tiếc là anh không gặp thời. Anh sinh năm 1935, là anh lớn nhà đông em (tất cả 9 người), cha đi hoạt động CM, rồi tù đày.. anh trở thành chỗ dựa cho mẹ nuôi dạy anh em mình. Anh chỉ được đi học đến lớp 6 thì phải đi làm nuôi các em. Mẹ kể lại, hồi đó anh đi hớt tóc dạo lang thang trong huyện. Cái hộp đựng dao kéo, cái ghế nhỏ có thể xếp lại và một ba lô đầy sách anh mang theo để đọc. Năm 1951 anh tình nguyện đi bộ đội đánh Pháp, năm 1954 đánh Điện Biên Phủ anh bị Pháp bắt làm tù binh rồi sau được giải thoát. Phục viên anh về làng thấy bác ruột bị oan ức đợt cải cách ruộng đất, anh lên Hà nội tìm gặp ông Trường Chinh nhưng không được. Bất mãn với chính quyền địa phương, năm 1960 anh lên sinh sống tại thị xã Lao Cai. Ở đây anh vừa lao động vừa học bổ túc văn hóa và thi đậu vào Đại học Tổng hợp văn nhưng vướng bận vợ con nên không đi học. Anh tự học ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nga) và bắt đầu đã có truyện ngắn, bài dịch đăng báo. Năm 1979 trong khi nhiều cán bộ , đảng viên bỏ chạy thì anh và con trai lớn (16 tuổi) ở lại tham gia tự vệ chống trung Quốc. Anh hy sinh ngày 17/2/1979 khi mới 46 tuổi, để lại vợ và 6 con nhỏ (đứa bé nhất mới lên 5, giờ ở với mình trong Vũng Tàu, đã có vợ, hai con).
Anh xa quê khi mình mới lên 2, anh về thăm gia đình thì mình đã vào Đại học, dự định  sau khi tốt  nghiệp ĐH (1979) mình sẽ lên thăm anh thì anh lại ra đi vĩnh viễn. Vì vậy anh trong mình chỉ là những câu chuyện, những ký ức mờ ảo vào những hình dung của đứa em đa sầu đa cảm.
Dịp tết năm 1973 (mình 15 tuổi, học lớp 9) anh có gửi về nhà một bài thơ, mình và cha có làm 2 bài thơ họa lại. Anh Vấn hồi đó chắc bận ôn thi (lớp 10, Đại học) nên không làm. Mãi Tết Canh Thân 1980 khi anh thực tập tốt nghiệp từ Phan Rang về mới làm bài họa cũng vào dịp dỗ đầu anh Báo. Mỗi lần đọc lại những bài thơ này, mình lúc nào cũng chảy nước mắt.



I- THƠ ANH BÁO

Thoắt đã mười ba cái tết rồi
Đứa con xa mẹ, mẹ thương ơi
Tết này con vẫn chưa về được
Nhớ mẹ, lòng con theo gió xuôi.

Lòng con theo những áng mây bay
Ra đi từ núi đá rừng cây
Về xuôi về biển về quê mẹ
Giữa những ngày xuân đẹp nắng này

Xuân đến quê nhà đẹp lắm thay
Lúa xuân mơn mởn chén xuân đầy
Vui xuân có mở nhà văn hóa
Đội chèo còn diễn những đêm say

Được mùa hẳn lắm bánh chưng xanh
Thơm nức mùi rươi khoán chấm hành
Món ăn giản dị sao mà tuyệt
Như những con người vừa lịch vừa thanh

Hòa với vui chung của xóm làng
Nhà ta chuẩn bị đón xuân sang
Năm nay thầy có làm thơ tết
Vấn có "Hoa Hồng" góp một trang

Và Vương còn có "Nhớ nhà" không? (*)
Sực nức hương thơm những tấm lòng
Đẹp lắm em ơi, em có biết
Qua rồi cái lạnh của mùa Đông.

( Trịnh Công Báo-1973)
 (*) "Hoa Hồng", "Nhớ nhà"-tên những bài thơ trẻ con của anh Vấn và mình.

II- THƠ MÌNH HỌA

Được biết, vui hơn chục tết rồi
Hôm nay cầm bút gọi anh ơi
Tết này em vẫn chưa gặp được
Xa cách thời gian theo nước xuôi

Nắng chiều lơ lửng áng mây bay
Lao Cai nhiều núi với ngàn cây
Thấu chăng tiếng nói từ quê mẹ
Ngược gió bay lên  giữa tết này

Quê nhà có đẹp của đổi thay
Đồng xanh khoai lúa, thóc kho đầy
Đông vui khi mở nhà văn hóa
Rộn ràng hội diễn những đêm say

Vẫn nêu, vẫn pháo bánh chưng xanh
Vẫn thơm thịt mỡ với dưa hành
Cổ truyền lắm cái sao mà tuyệt
Đổi mới con người vẫn lịch thanh

Bếp nhà nhỏ lửa giữa xóm làng
Thua người nhưng vẫn đón Xuân sang
Lệ thường thầy đã làm thơ tết
Thơ tết anh về góp một trang

Nhớ nhà, em lớn hẳn là không
Nhớ anh em muốn tỏ tấm lòng
Được vui ăn học em cũng biết
Qua rồi cái lạnh của mùa Đông.

(Trịnh Công Vương-1973)


III_ THƠ CHA HỌA

Đã biết bao nhiêu cái Tết rồi
Mỗi người một ngả đấy con ơi
Nay lần mai lữa chưa về được
Biết đến bao giờ con cháu xuôi

Lững lờ như nước chảy mây bay
Vô tri như núi đá rừng cây
Vẫn xuôi về biển về quê mẹ
Bặt mãi như ai ở đất này?

Xuân đến quê nhà lại đổi thay
Lúa xuân được ải, cót thêm đầy
Xóm làng xây dựng nhà văn hóa
Rồi đây rõ tỉnh tưởng là say

Xuân về vẫn có bánh chưng xanh
Giò mỡ chấm rươi kẹp củ hành
Ngất ngưởng vui xuân thì cũng tuyệt
Mắt mờ không biết lịch hay thanh

Cũng phải vui chung với xóm làng
Cũng chè cũng thuốc đón xuân sang
Năm nào thầy chẳng làm thơ Tết
Hơn, Vấn "Hoa hồng" chẳng một trang

Vương "Nhớ nhà" đâu có chịu không
Họa thơ anh giãi tỏ tấm lòng
Em đã ngoan rồi anh có biết
Xuân về còn thoảng gió mùa đông

(Trịnh Công Kiểm-1973)

IV- THƠ ANH VẤN HỌA

Thấm thoắt một năm đã qua rồi
Anh đi đấu mãi thế anh ơi
Tết này anh chẳng về quê được
Mẹ cháu trên kia cũng chẳng xuôi

Thời gian như nước chảy mây trôi
Mầm non giờ đã lớn lên cây
Vẫn buồn còn khổ đời cha mẹ
Xuân đến mà không đến chốn này

Chúa Xuân thì vẫn đẹp lắm thay
Thiên hạ vẫn vui chén xuấn đầy
Đời giờ sinh lắm điều biến hóa
Nên mỗi con người không rõ tỉnh say

Cũng muốn lên hỏi tận trời xanh
Nhưng hiềm một nỗi khó vi hành
Lại chẳng đủ tài nên đoạn tuyệt
Tìm đâu giờ cho thấy lịch thanh

Hòa với vui chung của xóm làng
Nhà ta giờ cũng đón xuân sang
Thầy buồn cũng có bài thơ Tết
Thơ Tết nghẹn lời ở giữa trang

Anh ở biên thùy có về không
Cho thầy cho mẹ được yên lòng
Cháu con mấy ngả anh có biết
Xuân rồi sao vẫn lạnh mùa Đông?

(Trịnh Công Vấn-1980)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét