Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

BẠN TA AI MẤT AI CÒN?

Những tấm hình này tôi chụp từ tháp Eiffel, Paris 2006. Một tấm  từ trên tầng thứ 2 nhìn xuống phía dưới chân tháp và một trên ngọn tháp, nơi được tính làm tâm nhìn về thủ đô của các nước, trong đó có Hà nội, Việt nam.
Khi nhìn những hình người nhỏ xíu dưới chân tháp, các bạn có cảm giác gì không, với tôi thì cảm giác này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Lần đầu tiên từ năm 1981, tôi trên máy bay nhìn xuống phi trường Calcuta, một điểm transit trên đường bay Hanoi- Moscow. Lúc đó là ban đêm, khi máy bay hạ độ cao, lần đầu tiên tôi được nhìn vào thế giới của mình từ một khoảng cách nhất định, kiểu như có một độ lùi nhất định. Những người những xe hối hả trên đường phố, trong sân bay nhìn xa thấy không khác gì một đàn kiến. Nếu bạn giết một con ruồi hay rắc một hạt cơm và chờ một chút sẽ thấy đàn kiến kéo đến, con chạy ngược, con chạy xuôi, gặp nhau bàn bạc, trao đổi rối tinh rối mù. Thì bạn thử nhìn vào tấm hình trên , cũng như từ trên máy bay xuống sẽ thấy i hệt như vậy. Từ khoảng cách ấy ta sẽ thấy mọi con người, mọi thân phận đâu có gì khác nhau. Mới hay cuộc sống thật là phù du, mọi thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau, mọi hỉ nộ ái ố đều trở nên vô cùng nhỏ bé, nhạt nhòa. Nếu bạn đã từng phải nằm viện, bạn sẽ thấy mọi đua chen trong đời thật vô nghĩa. Trong tiểu thuyết "Qui luật của muôn đời" của Đưmbatze (giải thưởng Lenin năm 1982) cũng có nói một ý như vậy, tôi nhớ đại ý là trong đời cũng nên một lần trải qua cơn trọng bệnh, khi đó bạn sẽ nhìn cuộc đời một cách chân thực hơn. Nói cách khác chúng ta cần xác định chúng ta CẦN GÌ thay vì chúng ta MUỐN GÌ, nôm na là bớt tham, sân, si đi một chút, sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn. Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật trăng trối lại cho người thân là khoét 2 lỗ ở 2 bên quan tài để người chết thò 2 tay ra ngoài cho mọi người thấy rằng khi chết người đó không mang theo gì (sic).


Nói đến cái chết, tôi nhớ đến câu thơ "bạn ta ai còn ai mất" trong bài thơ viết về K10, tôi chỉ biết láng máng các bạn Đức "khleb" K10MB, bạn Độ "phong cầm" K10MC, bạn Hòa "trí cấu" K9 xuống K10MA, hình như bạn Bùi Như Lộc (K10I)...đã xa chúng ta lâu lắm rồi. Vài dòng tâm sự vẩn vơ này coi như  nén nhang gầy thắp vọng về các bạn ấy, bạn ơi, sống gửi, thác về. Còn mỗi chúng ta tôi chỉ mong các bạn nếu gặp chuyện khổ đau cũng đừng thất vọng quá, nếu công thành danh tọai cũng đừng đắc chí quá, đời người như chiếc lá, gió cuốn bay vèo, hãy yêu nhau đi, bạn nhỉ.
Ta về tìm lại ngày xưa
Ngày ta vừa tròn mười bảy
Đàn chim K10 bay nhảy
Vườn xuân vào độ lên mười

Ta đi qua tuổi 20
Với cái dạ dày xẹp lép
Ăn xong khua thìa gõ bát
Mà thuyền chẳng chịu ra khơi

Bo bo, ngô sắn bời bời
Bánh cối , nắp hầm nhão nhoét
Đem đông mưa phùn gió bấc
Ăn rồi lại phải…lên đồi

Chiến trường ta đã quen rồi
Pháo sáng trắng đồi Ba Nhất
Trực thăng-bọ hung sát sạt
Ô kìa, anh thấy em ngồi

Nắng mưa là bệnh của trời
Giếng cạn đục của Cơ điện
Chiếc quần bạn ta vẫn diện
5 năm chưa giặt một lần

Đến ga tàu chạy tần ngần
Ai lính trường mình thì nhảy
Vé lỡ mua rồi cũng vậy
Giấu đi kẻo bạn ta cười

Nhớ chăng các bạn K10
Máu trong tim ta vẫn chảy
Lửa trong tim ta vẫn cháy
Ta vẫn là tuổi hai mươi.

Thày cô dạy dỗ nên người
Lửa gày vẫn gây mộng lớn
Khát vọng từng trang luận án
Tiếng đàn đêm vẫn vui tươi.

Mái trường nay đã khác rồi
Em ta không còn vất vả
Cuộc sống con tàu hối hả
Cố lên em kẻo lỡ thời

Chốn xưa người cũ đâu rồi
BẠN TA AI CÒN AI MẤT
Nỗi nhớ trong ta là thật
Thoắt thôi đã nửa đời người




1 nhận xét:

  1. anh Bo co ban khleb nua ha :)
    Doc anh Bo thay anh quen oi la quen.

    yes anh, noi nho trong ta la that. :)

    Trả lờiXóa