Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

MÀU

Nhân những lộn xộn về rùa Hồ Gươm, post lại một bài thơ cũ

Trời cuối thu bàng bạc
xám
mây chiều quánh lại tưởng có thể cắn được từng miếng
gió khẽ xuýt xoa
mà dương liễu vẫn lá trút
vàng
xuống mặt hồ cũng một màu
bàng bạc
thoảng rùa già rụt đầu cất bầu trời ảm đạm
cô đơn xấu hổ những giọt cuối cùng
xanh
tiếng còi ré lên xé toạc buổi chiều
tím
rơm rớm máu những chiếc lá lộc vừng
đỏ
đêm vá vội vàng rách đam mê những sợi chỉ
đen
trắc ẩn
mà dạ hương vườn cứ ngào ngạt
trắng
vô tình

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

THƠ ĐINH VŨ HOÀNG NGUYÊN

Đinh Vũ Hoàng Nguyên  là một họa sỹ, anh viết không nhiều nhưng văn anh rất có duyên, sâu sắc, hài, hóm hỉnh mà thấm đẫm một tinh thần nhân văn khi viết về các ngóc ngách, khía cạnh của đời sống. Trái lại với giọng văn hài hước nhiều khi thô nháp thậm chí hơi tục, thơ của anh lại rất nồng nàn, ấm áp, dịu dàng, man mác...Tôi thích đọc Đinh Vũ Hoàng Nguyên với những trang văn rất văn và thơ rất thơ. Xin giới thiệu với các bạn 2 bài thơ của anh, chàng hoạ sỹ, nghệ sỹ Hà thành hào hoa, đa tình...
 

CÓ MỘT NGƯỜI VỪA ĐI QUA PHỐ
 
Có bao người vừa đi qua phố 

Có một phố vừa đi qua phố 
Có chút lòng khẽ chạm… làn rêu.
Phố, kẹo lạc kẹo vừng 

Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ 
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm  
Cánh cò lạc bờ đê cò dò trên ngói bỗng gặp cái cò trong tiếng à ơi…
Phố, làng lúa làng hoa  

Người trong phố về quê trong phố  
Ngã tư lòng vương ngát sen hương…
Phiên chợ đầu hôm  

Sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố  
Người quang gánh gánh hồn làng về phố  
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ  
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời…
Cửa ô Im lìm  

Đoàn quân chuyển mình lên biên giới  
Những giọt hai mươi hợp dòng xa phố
Ngọn đèn - Tim
cháy thâu sương...  

Có người cha tiễn con, mắng vợ mình mau nước mắt  
Nhưng đêm ấy là đêm mờ mưa, sao tắt  
Gò má người cha mọng thắp  
Ánh sao…
Vỉa hè Lang thang  

Đứa trẻ không nhà trèo sấu trèo me đi bán  
Sau cơn mưa gẫy rắc cành me…  
Người đàn ông nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến  
Bỗng mặn mòi se giọt… giữa vành môi!
Khúc ơ khúc ơ…  

Đêm qua  
Tiếng rao cũ lạc người trên gác cũ  
Có cụ già cô đơn bỏ phố  
Chị hàng rong đặt tấm bánh trên bàn thờ, hương đỏ  
Những mảnh lòng chưa thành quen trong phố  
Khóc ngậm ngùi tiễn tưởng một người thân.





Bình minh bay từ khung cửa sổ
Dòng sông trôi từ khung cửa sổ
Đa - Nuýp
xanh
sắc cốm Vòng
Những mảng trầm thiêm thiếp giấc đông
Bỗng mở mắt cái hoa lên tháng
Có người con gái
Dịu dàng nâng tháng qua môi

.Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.


Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên
Tóc phả mái bên chiều
phai phai nắng ngói…
Thân thương quá!
lòng sao chợt hỏi
Phố của mình có nối,… phố trong em?!
 


CHÚT TỰ SỰ VÀ EM

Những cơn bão xiêu đêm. Những cơn bão dịu dàng.
Những ga lá nhắc nửa đời lỗi hẹn.
Gió hấp hổi suốt một thời của biển
Có bao giờ biết lặng trước mùa thu.

Em!
đang nghĩ gì khi anh ôm bàn tay?
Đôi mắt muộn, ngóng vì sao lẻ!

Em đừng bâng khuâng điều xa xôi quá
Một cơn mau cũng tạo nên mùa
Bởi ta đến bên nhau đâu phải từ sóng mắt
Mà bởi lòng lắng lại mới thành nhau.

Và điều không dễ mất trong nhau
Như cuối nắng còn trăng lưu bóng nắng
Ta thấm qua nhau những niềm chưa hết nỗi...
Đôi mắt muộn, ngôi sao bay chớp vội
Em ủ cánh buồm, câu ước, sao băng.

Khi anh lắng nghe tiếng trái tim em
Nghe khoảng lặng nửa đời anh, chợt đập
Nghe bao điều riêng đau, ta không kể
Bởi một điều trong nhịp nhịp đồng rung.
Là điều chẳng dễ gọi thành tên
Nước mắt vẫn không mầu,
khi lăn qua nỗi đau và hạnh phúc.
Đôi mắt muộn, một vì sao rụng
Giọt nước mắt này anh muốn gọi thành tên.

Trời rộng đất dài ta đến tìm nhau
Đất trời gọn trong làn hơi nhau thở.
Em nhận nhé nửa đời chưa hết gió
Để cánh buồm... câu ước, sao băng...

 
Đinh Vũ Hoàng Nguyên


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

KỶ NIỆM HAI LẦN THĂM BERLIN

CỔNG THANH BRANDENBURG
Nằm giữa trung tâm thành phố Berlin ngày nay, cổng thành Brandenburg không chỉ là biểu tượng của Berlin mà nó còn là biểu tượng của cả nước Đức. Nó đã được in lên tem, lên tiền giấy d-mark hay tiền xu euro của Đức.

                                             Cổng thành Brandenburg 2006





Được xây dựng trong thời gian từ 1788-1791 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Carl Gotthard Langhans, cổng thành Brandenburg có chiều cao 26m, rộng 65,5m và sâu 11m. Được thiết kế theo phong cách kiến trúc Classicism và xây dựng bằng đá sa thạch từ vùng núi Sächsische Schweiz, cổng thành được dựng lên để tưởng nhớ vị vua Friedrich II sau khi ông qua đời và cũng để góp phần củng cố địa vị của vua mới - cháu ruột của ông.
Brandenburg có tất cả 5 đường thông qua, trong đó đường ở giữa rộng hơn, hai bên là hai nhà gác. Cổng có tổng cộng 18 cột chia làm 3 hàng, mỗi hàng 6 cột, mỗi cột có đường kính phía dưới chân là 1,75m và cao 15m. Ngự trị phía trên cổng là nữ thần chiến thắng Victoria trên cỗ ngựa tứ mã làm bằng đồng (Quadriga).
Trước khi vua Wilhelm II thoái vị vào năm 1918 thì chỉ có hoàng gia và các khách mời của họ mới được đi qua cổng này.
Cũng như lịch sử nước Đức, cổng thành Brandenburg cũng trải qua nhiều thăng trầm. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với lịch sử nước Đức cũng như của cả châu Âu.
Trong cuộc chinh chiến của Napoleon khắp châu Âu, bức tượng Quadriga đã bị đưa sang Paris vào năm 1806 nhưng sau khi Napoleon thất thủ bức tượng lại trở về Berlin vào năm 1814. Trong thời phát xít, cổng thành Brandenburg cũng bị lạm dụng khi đơn vị công kích của phát xít Đức (SA) đã diễu hành qua đây. Thiệt hại nặng nề nhất mà nó phải chịu có lẽ là trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi quân Đức liên tục bắn về phía cổng thành nhằm vào lá cờ của Liên Xô được cắm trên tượng tứ mã.
Sau chiến tranh, Brandenburg được xây dựng lại do cả hai bên chính quyền Đông và Tây Berlin. Nhưng ngày 13-8-1961, bức tường Berlin được dựng lên chạy qua cả cổng thành ngăn cách hai bên Tây và Đông Berlin gây ra nhiều thảm họa với không biết bao nhiêu gia đình ở Berlin nói riêng và của nước Đức nói chung. Vì vậy nó đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa.
Năm 1987, khi tổng thống Mỹ Ronald Reagan đến thăm Tây Berlin ông đã kêu gọi Gorbachev lúc đó là tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô phá bỏ bức tường thành Berlin. Mong ước của người dân Đông và Tây Berlin cuối cùng cũng được thực hiện trong cuộc cách mạng nhung ở Đông Đức vào năm 1989.
Việc cổng thành Brandenburg được mở ra vào ngày 22-12-1989 trong sự hân hoan và vui mừng khôn xiết của hơn 100.000 người đổ về đây ăn mừng có lẽ là sự kiện trọng đại nhất từ trước tới nay đã diễn ra tại cổng thành này. Nó đã trở thành biểu tượng của sự thống nhất và hơn nữa còn là biểu tượng của sự chấm dứt chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây, là cầu nối đến tương lai của nước Đức.
Sau khi đất nước thống nhất, cổng thành và tượng tứ mã lại được trùng tu hoàn toàn và Berlin đã có lại bộ mặt hoàn hảo của nó vào năm 2002. Brandenburg ngày nay là địa điểm không thể bỏ qua của bất cứ khách du lịch nào đến thăm thủ đô của nước Đức.
Ngay tại đây, bên chân của cổng thành là khách sạn sang trọng và nổi tiếng bậc nhất Berlin - nếu có nhiều tiền thì đây là địa chỉ rất đáng được quan tâm. Không những thế đại lộ Unter den Linden nối cổng thành Brandenburg với quảng trường Alexanderplatz là một trong những con đường đẹp nhất Berlin, nơi có những tòa nhà quan trọng như sứ quán của Nga, Mỹ, Pháp và Anh. Bạn cũng có thể vào thăm Trường đại học Humboldt nổi tiếng hay trèo lên tháp truyền hình để ngắm cảnh Berlin cũng khá thú vị.
Trước tháp truyền hình Berlin do Liên Xô giúp xây dựng, hao hao tháp Ostankino ở Moscow
                                                                  Cổng thành Bradenburg 2010


                                                                                 Thu rớt
                                                          Trước nhà quốc hội 2010
                                                                           Ngẩn ngơ
                                                                Bia "mét" -2006
                                                                       Adidas
                             Bạn hiền -2006 (Chính Berlin- cựu con rể nhà thơ Cù Huy Cận)
                                                                 Cafe Berlin 2010
                                                      
Đài tưởng niệm Hồng Quân Liên Xô hy sinh trong đệ nhị thế chiến

Bức tượng kêu gọi tự do bên Tây Berlin, hình người phụ nữ lấy tay làm loa  về phia Đông Berlin, giữa bức tượng và Cổng thành Brandenburg trước đây là bức tường Berlin (vệt đen trên đường)

Phòng hoà nhạc 
                                                              BỨC TƯỜNG BERLIN
Buc tuong Berlin khi xua (hinh suu tam tren internet)

Bảo tàng Bức tường Berlin là một trong những bảo tàng vô cùng ấn tượng. Có thể tìm thấy ở đây những sự kiện bi thảm; nhưng, cũng có thể tìm thấy ở đây những câu chuyện hết sức li kỳ. Chỉ có với khát khao tự do con người mới có thể bất chấp sự hiểm nguy mà vượt thoát mãnh liệt đến vậy. Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, Bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do.







 Nơi đây kỷ niệm 136 người Đông Đưac bị bắn chết khi vượt tường qua các năm (mỗi sinh mệnh còn lại dấu ấn là một bông hồng)
Một mảng tường trứng bày trong trung tâm thương mại
Một người Đức gốc Việt

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

ĐẤT NƯỚC HOA ANH ĐÀO

                                              Trong lễ hội hoa anh đào trong công viên Ueno
Những ngày nay thiên tai khủng khiếp đang ập xuống Nhật Bản, một đất nước văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính, truyền thống. Một đất nước thật tươi đẹp và sạch sẽ, người dân lịch sự và hiếu khách.
Năm 2009 tôi có đi theo một tour tham dự lễ hội hoa anh đào ở Tokyo, không bút lực nào tả xiết cái cảm giác về không khí lễ hội, một lễ hội thực sự trong lành, thanh bình, con người tràn ngập không khí bình an, hạnh phúc phản ánh một xã hội vì dân, do dân, (câu này nghe quen quen, hìhì.)
                                                          Anh đào bên ngòai một ngôi chùa cổ

                                                       

        Sức sống hoa anh đào- những nụ hoa mọc từ thân cây -một biểu tượng của dân tộc Nhật
                                          Tại miệng một núi lửa đã tắt, nay thành điểm du lịch.
                                                Tokyo hiện đại, thanh bình-phía ngoài Hoàng cung
                                                 Kobe tái sinh sau trận động đất
                                                   Chùa Nhật, giản dị, trang nghiêm, thanh tịnh

Tôi post lại những tấm hình này như một lời chia sẻ thầm thì với những đau thương, thử thách mà một dân tộc vĩ đại đang đối mặt va chac chan dan toc do se gianh chien thang.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

BẠN TA AI MẤT AI CÒN?

Những tấm hình này tôi chụp từ tháp Eiffel, Paris 2006. Một tấm  từ trên tầng thứ 2 nhìn xuống phía dưới chân tháp và một trên ngọn tháp, nơi được tính làm tâm nhìn về thủ đô của các nước, trong đó có Hà nội, Việt nam.
Khi nhìn những hình người nhỏ xíu dưới chân tháp, các bạn có cảm giác gì không, với tôi thì cảm giác này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Lần đầu tiên từ năm 1981, tôi trên máy bay nhìn xuống phi trường Calcuta, một điểm transit trên đường bay Hanoi- Moscow. Lúc đó là ban đêm, khi máy bay hạ độ cao, lần đầu tiên tôi được nhìn vào thế giới của mình từ một khoảng cách nhất định, kiểu như có một độ lùi nhất định. Những người những xe hối hả trên đường phố, trong sân bay nhìn xa thấy không khác gì một đàn kiến. Nếu bạn giết một con ruồi hay rắc một hạt cơm và chờ một chút sẽ thấy đàn kiến kéo đến, con chạy ngược, con chạy xuôi, gặp nhau bàn bạc, trao đổi rối tinh rối mù. Thì bạn thử nhìn vào tấm hình trên , cũng như từ trên máy bay xuống sẽ thấy i hệt như vậy. Từ khoảng cách ấy ta sẽ thấy mọi con người, mọi thân phận đâu có gì khác nhau. Mới hay cuộc sống thật là phù du, mọi thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau, mọi hỉ nộ ái ố đều trở nên vô cùng nhỏ bé, nhạt nhòa. Nếu bạn đã từng phải nằm viện, bạn sẽ thấy mọi đua chen trong đời thật vô nghĩa. Trong tiểu thuyết "Qui luật của muôn đời" của Đưmbatze (giải thưởng Lenin năm 1982) cũng có nói một ý như vậy, tôi nhớ đại ý là trong đời cũng nên một lần trải qua cơn trọng bệnh, khi đó bạn sẽ nhìn cuộc đời một cách chân thực hơn. Nói cách khác chúng ta cần xác định chúng ta CẦN GÌ thay vì chúng ta MUỐN GÌ, nôm na là bớt tham, sân, si đi một chút, sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn. Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật trăng trối lại cho người thân là khoét 2 lỗ ở 2 bên quan tài để người chết thò 2 tay ra ngoài cho mọi người thấy rằng khi chết người đó không mang theo gì (sic).


Nói đến cái chết, tôi nhớ đến câu thơ "bạn ta ai còn ai mất" trong bài thơ viết về K10, tôi chỉ biết láng máng các bạn Đức "khleb" K10MB, bạn Độ "phong cầm" K10MC, bạn Hòa "trí cấu" K9 xuống K10MA, hình như bạn Bùi Như Lộc (K10I)...đã xa chúng ta lâu lắm rồi. Vài dòng tâm sự vẩn vơ này coi như  nén nhang gầy thắp vọng về các bạn ấy, bạn ơi, sống gửi, thác về. Còn mỗi chúng ta tôi chỉ mong các bạn nếu gặp chuyện khổ đau cũng đừng thất vọng quá, nếu công thành danh tọai cũng đừng đắc chí quá, đời người như chiếc lá, gió cuốn bay vèo, hãy yêu nhau đi, bạn nhỉ.
Ta về tìm lại ngày xưa
Ngày ta vừa tròn mười bảy
Đàn chim K10 bay nhảy
Vườn xuân vào độ lên mười

Ta đi qua tuổi 20
Với cái dạ dày xẹp lép
Ăn xong khua thìa gõ bát
Mà thuyền chẳng chịu ra khơi

Bo bo, ngô sắn bời bời
Bánh cối , nắp hầm nhão nhoét
Đem đông mưa phùn gió bấc
Ăn rồi lại phải…lên đồi

Chiến trường ta đã quen rồi
Pháo sáng trắng đồi Ba Nhất
Trực thăng-bọ hung sát sạt
Ô kìa, anh thấy em ngồi

Nắng mưa là bệnh của trời
Giếng cạn đục của Cơ điện
Chiếc quần bạn ta vẫn diện
5 năm chưa giặt một lần

Đến ga tàu chạy tần ngần
Ai lính trường mình thì nhảy
Vé lỡ mua rồi cũng vậy
Giấu đi kẻo bạn ta cười

Nhớ chăng các bạn K10
Máu trong tim ta vẫn chảy
Lửa trong tim ta vẫn cháy
Ta vẫn là tuổi hai mươi.

Thày cô dạy dỗ nên người
Lửa gày vẫn gây mộng lớn
Khát vọng từng trang luận án
Tiếng đàn đêm vẫn vui tươi.

Mái trường nay đã khác rồi
Em ta không còn vất vả
Cuộc sống con tàu hối hả
Cố lên em kẻo lỡ thời

Chốn xưa người cũ đâu rồi
BẠN TA AI CÒN AI MẤT
Nỗi nhớ trong ta là thật
Thoắt thôi đã nửa đời người