Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

MÌ CHÍNH CÁNH


Tại sao đa phần K10 là người Bắc mà lại không dùng mì chính, còn là mì chính cánh nữa. Đùa vui vậy nhưng quả thực mình không kìm được tình cảm yêu mến, trân trọng, xúc động khi ngắm nhìn 2 bức hình này. Từng khuôn mặt, những đôi mắt và những nụ cười. Hai bức hình rất quí hiện diện trên Blog K10 hẳn phải nhờ công lao của bác Mõ nhưng có lẽ trước hết bởi nó nên có, phải có như một biểu tượng và một chữ duyên.

Mình thích 2 tấm hình ấy từ lâu, nhưng mình càng đặc biệt thích thú khi ngắm lại từ lúc có suy nghĩ về việc thiết kế bìa cuốn kỷ yếu K10-2014. Trước đó mình không có suy nghĩ gì về vấn đề này. Mình nghĩ bìa cuốn kỷ yếu là một loại bìa sách và cần, nên nhờ các Họa sỹ chuyên thiết kế bìa sách mới đạt hiệu quả. Một họa sỹ làm bìa khá có tiếng tại nhà xuất bản Hội Nhà văn là họa sỹ Văn Thắng, cũng là người đã làm bìa cuốn "Tôi và Em và..." của mình năm 2002. các ông Văn Cao ngày xưa, hay Nguyễn Trọng Tạo bây giờ cũng là những người làm bìa sách có tiếng.

Khi Hùng Bò đưa ra mẫu bìa kỷ yếu cho mọi người góp ý, đó là hình bìa Thiệp mời tham dự lễ hội và như mọi người đã đóng góp sẽ chỉnh sửa đi cho phù hợp với mục đích làm bìa cuốn kỷ yếu thì mình mới giật mình và suy nghĩ nghiêm túc về nó. Mình thấy bức hình họa này với nhiều ý nghĩa như Hùng Bò diễn giải đã là những hình ảnh rất đắt cho một tấm thiệp mời trang trọng những hoàn toàn không nên dùng làm bìa kỷ yếu. Mình mạo muội xin phân tích những điểu không nên như sau:
1- Sự lặp lại, trùng lặp về nội dung, ý tưởng giữa Tấm thiệp và Bìa kỷ yếu. Mọi sự lặp lại dù rất hay ho cũng là không nên chứ chưa nói đến những điểm không phù hợp khác. Nó phản ánh sự nghèo nàn về ý tưởng, sự lười biếng của óc sáng tạo. Ngoài ra nó dễ tạo cảm giác, cuốn kỷ yếu thực ra chỉ là những mình hoạ của Lễ Hội, một Lễ hội bằng giấy.
2- Ngôn ngữ đồ họa ở đó là ngôn ngữ của tấm thiệp, của pa nô, của tấm phông cho đêm Gala Diner chứ không phải ngôn ngữ của bìa sách. Cuốn kỷ yếu của chúng ta chứa đựng không ít nỗi niềm, những hoan lạc, những ưu tư không hề được tìm thấy bóng dáng hay chí ít là những gợi mở.
3- Các chi tiết tưởng đắt nhưng thực sự không mang tính cách điển hình, đặc trưng cho Cơ Điện, cho K10. Sắn, bo bo sẽ hoàn toàn xa lạ cho độc giả là lớp trẻ bây giờ nhưng cũng chẳng gây chú ý gì từ những độc giả cùng thời K10. Các trường ĐH khác ở Thái Nguyên, Phú Thọ... đều có cái đó. Ngoài ra về hình thức đặc tả chúng trong những vòng tròn có ý nghĩa về mặt ẩm thực hơn là những kỷ niệm. Cái logo K10 mà bạn Hùng tự hào mình cũng không thích, cũng như logo của trường ĐHKTCN, và dù các bạn có thích chúng thì mình cũng không đánh giá cao sự xuất hiện cái logo trên bìa sách.
v.v. và .v.v

Được Hùng Bò bật đèn xanh nên mình mới mạo muội phát biệu cảm nghĩ của mình như vậy, tất nhiên cũng với tư cách 1 cựu SV K10, 1 kỹ sư Chế tạo máy chứ không phải một họa sỹ vẽ bìa. 

Ai chả biết, làm thì khó, chê thì dễ, vậy khi  chê cái bìa ấy (mình phải nói lại là mình rất thích cái tác phẩm đồ họa ấy trên tấm thiệp, cả về ý tưởng, cả về ngôn ngữ, chỉ không thích khi nó là bìa sách thôi nha), liệu mình có ý tưởng gì không?

Trở lại đầu bài viết này, chỉ đến lúc này, mình mới giành được một chút thời gian để nghĩ về ý tưởng bìa Kỷ yếu. Các bạn thông cảm, chỉ một số bạn mới biết mình hiện đang trong hoàn cảnh cha già nuôi 2 con cọc (gần 3 tuổi và gần 4 tháng, đều phải nuôi bộ, không có sữa mẹ).

Mình đề xuất 2 ý tưởng dễ thực hiện nhất, tốn ít kinh phí nhất và ít nhiều theo mình cũng phù hợp hơn việc dùng tấm hình kia.

Cuốn kỷ yếu tập trung khá nhiều bài viết, commetn về nhiều chủ đề, lĩnh vực trong đời sống nhưng tựu trung lại vẫn là về những chuyện NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ.
Tên Kỷ yếu có thể là

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ.
Tập kỷ yếu của K10 ĐHCĐ 1974-2014

 hoặc có thể là

CÒN LẠI MỘT TÌNH YÊU 
Tập kỷ yếu  của K10 ĐHCĐ 1974-2014

CHỈ TÌNH YÊU CÒN LẠI
Tập kỷ yếu  của K10 ĐHCĐ 1974-2014

Ý tưởng 1: LỐI XƯA XE NGỰA HỒN THU THẢO
Với ý tưởng này, sẽ lấy cảnh làm chính. Các bạn phải sưu tầm được 1 tấm hình chụp mấy ngôi nhà 3, 4 tầng  năm 1974 ở T Ba Nhất sẽ dùng làm Bìa 1, hình đen trắng in phủ hết tấm bìa, trên đó có dòng chữ
NGÀY ẤY...
Tập kỷ yếu của K10 ĐHCĐ 1974-2014

Hình chụp ĐHTN hiện nay sẽ làm bìa 4 và dòng chữ
...VÀ BÂY GIỜ
Tập kỷ yếu của K10 ĐHCĐ 1974-2014 

Ý tưởng 2: MỘT MÌNH EM TÍM CẢ CHIỀU HOANG DẠI
 Với ý tưởng này sẽ dùng ảnh chân dung K10 XƯA VÀ NAY. Không có tầm hình nào độc đáo, đẹp, mang tính biểu tượng và nhân văn hơn 2 tấm hình chụp các MÌ CHÍNH CÁNH của chúng ta như đã nói ở phần đầu. Hẳn các bạn còn nhớ, điểm đầu vào của K10 năm 1974 là 18 điểm chỉ sau Bách Khoa HN và ĐHTHHN (19 điểm), một số điểm khá cao cho khối A. Thêm nữa những khó khăn về cơ sở vật chất ở một tỉnh miền núi khiến có lẽ Trường ta hồi đó có tỷ lệ nữ sinh viên thấp nhất cả nước. K10 không phải là ngoại lệ, chỉ có 7 chị em, nhưng như chị Thọ (Người Hòn Gai trên blogK8) có nhận xét, các nữ sinh K10 còn độc đáo là đa số ở Hà nội, hình chư chỉ có bạn Đỗ Sơn là ở Hải Phòng. Cái lý lịch như vậy làm cánh mày râu K10 nhất là những thằng nhà quê như mình được thơm lây. Vậy là 2 tấm hình này sẽ thay thế cho 2 tấm hình chụp cảnh nhà trường trong Ý tưởng 1. Chữ , tên thì vẫn vậy. Ngoài ra còn một Option là 2 tấm hình này đăng vừa phải ở trung tâm, còn hình nền phủ kín 2 bìa sách là hình ảnh của cánh mày râu K10, 1 hình cũ, 1 hình mới in mờ hơn làm nền cho chị em. Về màu sắc cũng dùng tông màu bàng bạc, nâu nâu đen đen, không in hình màu rực rỡ. Mình hình dung bất kỳ ai khi cầm cuốn Kỷ yếu lên dù chưa đọc nội dung cũng đầu có những cảm xúc, hặoc tò mò (bạn trẻ), hoặc bồi hồi xúc động vì những kỷ niệm riêng của mỗi người nhân đó sẽ len lỏi tìm về...
PS. các bạn nếu thích logo K10 thì vẫn sử dụng nó nhưng theo mình chỉ để nhỏ ở một góc như cái logo của nhà XB Kim Đồng hồi nào.