Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

MUỘN

Tự họa 2011

Thu gõ cửa hồn tôi những tiếng thì thầm
Có lẽ muộn
thơ đề không đủ chỗ
Sen chớm lụi
vội vàng bông cúc nở
Đêm Vũng Tàu
sóng vỗ
khối tình câm




Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

MẸ

Giáp Tết, chiều Đông , bên cánh ruộng
Con về dâng mẹ cọng nhang gầy
Mưa bụi giăng giăng lòng se sắt
Mắt nhòe, môi lạnh, tóc bay bay

Nôn nao nhớ lại ngày thơ dại
Những chiều mưa bụi giống hôm nay
Mưa gió mà con như ấm lại
thấy mẹ ngôi bên bếp lửa gầy.

Những món quà quê buổi chợ nghèo,
Mẹ về quang gánh dáng xiêu xiêu
Con mừng đón mẹ cay mi mắt
Ôm quà, thương mẹ biết bao nhiêu

Rồi lúc con say bước hải hà
Ghé về thăm mẹ chỉ qua loa
Thương con giờ mẹ còn lo cháu
Da mồi, tóc bạc, vóc phôi pha

Cho đến một chiều mây xám đất
Giận mình quên chuối chín trên cây
Con không thể khóc, lòng như xé,
Đời mẹ, niềm vui được mấy ngày?

Làng Rét, 1994

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

BÀ ĐÃ LÊN CHÙA RỒI ĐẤY

Cha mẹ ở Vũng tàu
Như mình đã kể ở bài trước, cha mình kể như cũng thuộc diện "vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa", tâm hồn thì lãng mạn, nghệ sỹ. Vậy mà chàng công chức con nhà giàu đã chọn mẹ, cũng con nhà giàu (ông ngoại là nhà buôn) nhưng là con bà cả không được sủng ái, thậm chí còn bị hắt hủi, ruồng rẫy. Nghe chị cả kể lại thì mẹ có lúc đã phải đi ở đợ (làm o sin như bây giờ). Xã hội trọng nam khinh nữ "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" nên mẹ không được đi học. Cha lấy mẹ khi mẹ đang buôn bán cá ngoài chợ. Cha vẫn nói, người ta bảo "nằm đất với cô hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá", vậy mà cha vẫn chọn cô hàng cá, khen cho con mắt tinh đời "trai khôn tìm vợ chợ đông" (hi hi).
Mẹ không được đi học nhưng mẹ học được nhiều trong cuộc sống, học lỏm qua sách vở (mẹ kể hay hối lộ các cậu-con bà hai- tiền xu để các cậu đọc sách cho). Mẹ có trí nhớ siêu phàm, khi mình còn nhỏ và mẹ tầm U50, đêm đêm mẹ vẫn thường cho mình nằm gối đầu tay rồi  đọc cho mình nghe các truyện thơ như Truyện Kiều, Nhị độ mai,,Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Sơ kính tân trang.v.v. Cha được học trường Tây, lại đọc nhiều và bôn ba, từng trải nên cha cũng thường kể, phân tích, giảng giải cho mẹ rất nhiều chuyện trong đời sống, chính trị, xã hội. Mặc dù vậy, cha rất tôn trọng ý kiến của mẹ, hỏi ý kiến mẹ trong nhiều việc đối nhân xử thế. Mỗi khi có việc cần tính toán, cha lấy giấy bút ra còn đang cộng cộng trừ trừ thì mẹ đã tính nhẩm xong rồi, cha không tin vẫn làm tiếp và cuối cùng lại cười hiền khen mẹ tính đúng.

Mẹ thực sự là một người hiểu biết, thông minh nhưng cao hơn cả mẹ là mẫu mực của tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Mấy chục năm làm dâu nhà chồng, mẹ được hết thảy gia đình họ mạc hàng xóm láng giếng kính nể. Ngày trước mẹ và bà ngoại (bà cả) xất bất xang bang vì sự xúc xiểm của bà hai, nhưng về già, chính bà hai lại quí mẹ hơn con đẻ, con dâu. Mình còn nhớ, mỗi lần bà hai xích mích với các mợ là lại đi bộ hàng chục km lên nhà mình để chia sẻ với con chồng. Chuyện về mẹ thì còn dài lắm, mình chỉ muốn lý  giải vì sao cha chung tình được với mẹ (các bác bên nội đều có hai bà , cha lại là người hào hoa, giao du nhiều) cũng như sao cha vẫn khóc khi nhắc tới mẹ suốt  9 năm sau  ngày mẹ mất (mẹ mất năm 1993, thọ 77 tuổi- mẹ kém cha 7 tuổi và mất trước cha 9 năm). Dưới đây là bài thơ cha viết vào tuần tứ cửu của mẹ.

BÀ ĐÃ LÊN CHÙA RỒI ĐẤY

Lúc sinh thời bà đà nguyện ước
Nếu mà tôi về trước cõi âm
Thì bà cũng sẽ quyết tâm
Người mười tôi phải được năm ba phần

Nhưng nếu bà nhanh chân về trước
Thì chắc tôi chẳng được việc gì
Nên bà vốn có chân qui
Đến tuần tứ cửu rước bà đi lên chùa

Nay bà đã lên chùa rồi đấy
Các cháu con hết thảy lo toan
Rước bà lên cõi niết bàn
Để bà hưởng phúc an nhàn muôn năm

Nay đã hết trầm luân khổ ải
Hết cái đời ngang trái rủi ro
Hết thời sớm nắng chiều mưa
Hết thời đi sớm về trưa cực lòng

Nay đã hết long đong vất vả
Suốt cuộc đời cho cả chồng con
Xác ve ngày tháng hao mòn
Hy sinh tất cả cho con cho chồng

Nay đã hết mùa đông giá lạnh
Nắng lên rồi mưa tạnh mây tan
Ngày nay đã hết cơ hàn
Bà sao vội lánh trần gian mà về

Bà ơi!
Nay bà đà được tới Tây phương
Nguyện vọng xưa nay nhắc nhở thường
Thế là thoát tục thôi trần thế
Để tôi vương vấn nhớ sầu thương

Nhớ thương bà ngẩn ngơ ngơ ngẩn
Thương nhớ bà thơ thẩn thẩn thơ
Tìm đâu cho thấy bây giờ
Làm sao lại gặp được bà, bà ơi.

Sao mà bà chả thương tôi
Thương con, cháu, chắt suốt đời nhớ thương
Thương bà nay nằm xương gối đất
Nhớ bà xưa rất mực đoan trang
Bạn bè nội ngoại xóm làng
Thương vì nghĩa cả tình càng thân thương

Nhớ dáng hình ngày thường thấp thoáng
Nhớ tiếng bà trưa sớm nhỏ to
Nhớ bà gọi chắt cho quà
Nhớ bà bảo chắt: "biếu quà cụ ông"

Nhớ bữa ăn so từng đôi đũa
cá gỡ xương bỏ bát cho tôi
Này rau, này cá, này canh
bảo cho từng món rành rành hẳn hoi

Nhớ những lúc đi chơi đây đó
Cứ chiều tà hướng ngõ ngóng trông
Nhờ các cháu đi đón ông
"Kẻo mắt người kém người không thấy đường"

Thấy chăn màn lâu lâu không giặt
Nước xà phòng mùng kết đun sôi
Ngâm cho tôi giặt bà phơi
Giờ đây mặc kệ tôi rồi bà ơi.

Nhọ cũng mặc mà hôi cũng mặc
Mặc kệ thây kệ xác tôi rồi
Chẳng còn chăm sóc cho tôi
Thế là vĩnh biệt muôn đời nhớ thương

Thấy khói hương lại thương lại nhớ
Thắp nén hương càng nhớ càng thương
Nhớ thương thương nhớ khôn lường
Bà ơi có thấu đoạn trường này không?

Bà đã trọn thủy chung son sắt
Dạ sắt son chung thủy thủy chung
Ơn bà chứa chất trong lòng
Ơn bà có núi có sông nào tày
Ơn bà như bát nước đấy
Ơn bà còn để dạ này khôn nguôi

Chín con, sáu mốt năm trời
Chia tay chẳng được nửa lời hàn huyên
Bà nay là Phật là Tiên
Chẳng cùng ma quỉ nợ duyên nữa rồi

Lời chẳng được nửa lời đã vậy
Phút chia tay chẳng được thấy nhau
Phũ phàng chi mấy trời cao
Số kiếp thế nào nghiệt ngã quá thôi

Nay bà là con trời con phật
Mong Phật con thể tất tình xưa
Diêm vương xét hỏi trước tòa
Cũng vì nghĩa cũ được bà chở che

Sống là gửi thác là về
Chúc bà nương bóng bồ đề thảnh thơi
Độ trì con cháu khắp nơi
Nhân khang , vật thịnh đẹp đời cháu con

Còn tôi đành phận héo hon
Còn ngày nào nữa vẫn còn nhớ thương
Nhớ từ tuổi trẻ ngoài Uông
Đến nay bao nỗi đoạn trường quên sao
Trùng phùng xin hẹn khi nào
Duyên Mận tình Đào ta lại có nhau

Thương bà lệ ứa đôi câu
Bà ơi có thấu nỗi đau tôi thương nhớ bà.
Bà ơi!


(bài này cha làm năm 84 tuổi, mình chép lại mùa Vu Lan 2011)

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

TÌNH

Đà Lạt 1997
Hồi còn nhỏ, anh em mình gọi cha mẹ bằng "thầy, bu" (nghe hơi kỳ kỳ.) , có nơi gọi là "thầy , u". Sau này có con nhỏ, cha mẹ già nên mình gọi thay con là ông, bà. Bây giờ ngồi viết, mình thích gọi bằng cha, mẹ. Cha là người đàn ông cực nam tính (hì hì, 9 người con mà).  Ngày cha mới về quê học làm ruộng, lần đầu đi gánh rạ ngoài đồng về, cha không quen bó rạ nên cứ gánh vài bước lại bị sổ ra mấy lần không được, cha bèn bật diêm châm lửa đốt hết 2 bó rạ rồi vác đòn càn (để xiên vào bó rạ gánh về) về không (chuyện nghe mẹ kể lại). Mình vẫn còn nhớ cha tự học nghề thuốc (tây y) và chữa bệnh cho mọi người (nông thôn miền Bắc ngày trước, hệ thống y tế cực kỳ lạc hậu và thiếu thốn). Có nhiều ca bệnh viện, huyện, tỉnh trả về mà cha chữa khỏi. Gia đình người bệnh coi cha là ân nhân cứu mạng và theo lễ tết mãi.Cha ít khi bệnh, thoảng gặp thì cha tự chữa. Mình vẫn nhớ cảm giác hơi hãi khi nhìn cha cầm ống chích (từ thời Pháp, sơ ranh và kim to như thứ giờ dùng chích cho heo) tự đâm vào đùi (phải đâm vì kim to và cùn). Mẹ vốn dân kẻ chợ, không quen làm ruộng, vậy là chỉ lo đi chợ và thu vén nhà cửa, vườn tược, một mình cha làm ruộng (trong HTX nông nghiệp) lo cho vợ con, con cái tuy nghèo, đói nhưng vẫn được học hành. Mẹ thích nghe đọc truyện, thích nhất là Tam Quốc diễn nghĩa. Tối nào về cơm nước xong, cha cũng chong đèn dầu đọc Tam Quốc cho mẹ nghe, giọng cha thật ấm và truyền cảm. Sau này anh em mình đi học thì mới thay cha đọc cho mẹ. Cha là người đàn ông hấp dẫn bởi vẻ ngoài nam tính và trí lự phi phàm (trong mặt bằng dân trí hồi đó), Cha còn là người có tâm hồn nghệ sỹ, có năng khiếu về thơ ca nhạc họa và tấm lòng yêu nghệ thuật (cha làm thơ, viết chèo, vẽ tranh cổ động, chơi được đàn nguyệt, đàn bầu..). Người như cha hẳn phải được nhiều phụ nữ yêu mến và cha hẳn cũng biết rung động trước những vẻ đẹp của nữ tính. Tuy cha chỉ có mẹ và rất yêu mẹ (hì hì, đoán là vậy vì khi sinh ra mình, cha đã 48 tuổi) nhưng đến khi mình lớn cũng được cha bật mí cho mấy bài thơ tình cha làm trong những lần say nắng.

TẶNG VỢ ÔNG QUẢN KHỐ XANH

Luống tuổi mà em vẫn trẻ măng
Gái tơ ăn đứt được em chăng
Em cười lúng liếng đôi con mắt
Tiếp chuyện đen giòn một bộ răng
Lệch nghiệp đã nhiều phường khố nhiễu
Nghiêng thành  chỉ một ánh sao băng
Tiếc thay người thế duyên sao thế
Chả để cho ai chút đãi đằng

(Bài này cha làm từ những năm 30 của thế kỷ trước, lúc cha mới tầm gần 30 tuổi, khi làm Chef Train ở mỏ Uông Bí, Hồng Gai. Cha đọc cho mình  nghe khoảng năm 1997 khi đang nghỉ tại một KS ở HN, lần mình đưa đón cha vào Nam chơi. Mình nhớ và chép lại)


TÌNH
Tặng bà Tình vợ ông Châu Việt kiều Tân đảo về 

Khen ai khéo đặt cho mình
Cái tên đến thật là tình, Tình ơi.
Mình cười, đỏ thắm đôi môi
Hàm răng mái tóc nụ cười có duyên
Lông mày như lá tóc tiên,
Đôi mắt u huyền, đất lở trời long
Nhìn người người ngẩn ngơ lòng,
Nhìn sông nước chảy ngập ngừng chẳng trôi
Thế mà phận hẩm duyên ôi.
Đứt quang gãy gánh đã đôi ba lần
Thì ra cái kiếp giai nhân
Xưa nay vẫn phải chịu phần gian truân
Tưởng rằng nước chảy qua sân
Ai dè nước chảy qua sân mấy cầu
Tiếc thay một đoá hoa ngâu
Con ong cái bướm châm đầu châm đuôi
Bây giờ hoa đã tàn rồi
Nhụy thời hết nhụy, hương thời hết hương
Nhưng mà tình vẫn đáng thương
Thương Tình như khách qua đường đấy thôi
Thương là thương miệng thương môi
Hồn thơ dào dạt đặt lời thơ thương

(bài này cha làm khi cha chừng trên dưới 60 tuổi, khi gặp mặt bà Tình trong một đám cưới, người trước đó đã nổi tiếng là một hồng nhan đa truân ở quê. Mình cũng chép lại theo trí nhớ)

Với người cha như vậy, nên hồi làm lễ thượng thọ cho cha (2000- 90 tuổi), anh em mình mời mấy  anh chị ở đoàn chèo Thái Bình về nhà hát chèo mừng thọ cha. Ngày cha mất mình không khóc, đêm nằm trên sân thượng viết mấy câu, sáng hôm sau đọc trong lễ truy điệu cha

Hôm nay tin đến bàng hoàng
Bỗng dưng cha vội dứt ngang đường trần
Cha giờ nhẹ bước phù vân
Mặc người ở lại bần thần xót xa
Con con, cháu cháu, nhà nhà
Làng làng, xóm xóm, xa xa, gần gần
Trọn đời theo Đảng, vì dân
Dạy con, dỗ cháu chữ nhân ở đời
Xót lòng con lắm cha ơi
Phải xa người đã trọn đời yêu thương
Đời cha qua mấy chặng đường
lên xe, xuống ngựa, phong sương nhuốm màu
Bây giờ nội cỏ dàu dàu
Láy ai bầu bạn tiêu sầu nới xa
Kiếp người dài ngắn cũng là
Thương cha giờ phải bôn ba một mình
Hởi ôi cái kiếp phù sinh
Hoa rơi lá rụng vô tình vậy sao
ngẩng đầu than với trời cao
Thương cha, nhớ mẹ khi nào mới nguôi
Cũng đành vĩnh biệt người ơi,
Cầu mong cha được thảnh thơi suối vàng
Cúi đầu thắp một tuần nhang
Mà lòng chưa hết bàng hoàng cha ơi.
(2003)

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

CHA VÀ CON VÀ...



Cha, "chúa" Trịnh (Công) Kiểm năm 87 tuổi (1997), ảnh chụp tại Huế dịp Cha vô Nam lần cuối. Cha mất năm 2003 (hưởng thọ 93 tuổi). Cha mẹ có 9 người con, mình là út. Cha hoạt động CM, vào ĐCS từ năm 1936, tù chính trị Hỏa Lò, Sơn La 1940-1945. Năm 1951, vì nhiều lý do, trong đó có cả chuyện thành phần xuất thân (trước khi tham gia CM, cha là chef train ở Uông Bí), Cha cáo quan (UBKCHC tỉnh TB) về quê sắm chiếc thuyền câu lênh đênh sông nước. Cũng nhờ vậy mà có thêm mình và anh Vấn (vấn vương tơ tằm). Nửa thế kỷ Cha là nông dân yêu đời, làm thơ, viết kịch, không hề oán thán chế độ. Mãi gần cuối đời Cha mới được nhà nước công nhận là "lão thành Cách mạng".
Chín chục uy nghiêm một dáng tùng
Vật đổi sao dời chẳng chuyển rung
Yêu nước chi nề thân tù tội
Thương nhà há quản chốn lao lung
Tổ quốc đã ghi tên tuổi cụ
Gia đình sẽ nhớ bóng hình ông
Bền gốc nên cây tươi tốt mãi
Đất trời đâu phụ tấm lòng trung
(Thơ mừng thọ Cha 90 tuổi)
Huế 1997 (Cha 87, con út 39)

Ngao du sơn thủy - Đà Lạt 1997

Con, Trịnh Hoài Vương hồi 8 tháng tuổi (8/1985), khi đó mình bằng tuổi con bây giờ. Cuộc sống khó khăn, cả nhà đều vất vả. Con được ăn duy nhất một hộp sữ bột Meji còn chỉ là Ông Thọ- sữa đặc có đường theo tiêu chuẩn cán bộ công nhân viên của bố mẹ, chuối chỉ dám mua lẻ ở hàng nước cho con, không dám mua cả bẹ. Nhà mượn được cái tủ lạnh Xaratov cũ của cơ quan thải ra để làm đá bán (hồi ấy gọi là cái ao rau muống của CNV)
Mỗi viên bán được ba đồng
Người cha nghèo ngày ngày đặt đá
Thêm mỗi mớ rau hay vài con cá
Trái chuối gày, quả trứng nhỏ cho con
Trằn trọc sớm khuya phờ phạc mỏi mòn
Nhà hết đồ ăn
Lương mới nhận bay vèo như lá
Người cha nghèo ngày ngày đặt đá
Mỗi viên bán được ba đồng
"Ba ơi! mãi mình không ăn thịt gà
Ba ơi! chả nem, lâu lắm rồi..."
- tiếng con thỏ thẻ
Nuốt vội tiếng thở dài
ôm chặt con vào lòng
người cha nghèo
thở nhe



Chăm phần chăm!



Mình đi đâu cũng có đệ tử. Bữa ăn con ngồi trong lòng - Nhậu ở nhà...
Tuổi thơ "dữ dội"

...nhậu nhà bạn (nhà chú Lợi ATK)

,
Cha con Hai Lúa lên SG, mình tự cắt tóc cho mình và cắt cho con đến năm con học lớp 12 mới đi tiệm

SN con 6 tuổi

Cao bồi Đà Lạt

Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành

Mình hồi này bận, bỏ bê blog. Nay nhân chụp lại ít tấm hình cũ chuẩn bị cho con làm slide hình cưới nên post lại mấy tấm làm kỷ niệm. Dù bây giờ con đã cao hơn 1m80 nặng hơn 80 kg thì trong lòng mình con mãi là một đứa trẻ dễ thương như những tấm hình trên. Nói vậy chứ con cũng đã sắp vào tuổi "tam thập nhi lập" rồi, chỉ chúc các con đường đời chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió. Trong căn bếp gia đình luôn duy trì ngọn lửa ấm và lòng thật bình yên vỗ về bởi những con sóng hạnh phúc giản dị, dịu dàng.. .

Cún - Mi